Trò chuyện về nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương

Các phiên thảo luận về nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương được bà Charlotte Aguttes Reynier, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á dẫn dắt.

Kỷ niệm 100 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, ngày 7/1/2025 tới đây, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm và trò chuyện nghệ thuật “Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương”.

Sự kiện do Công ty Salmon tổ chức cùng sự trợ giúp của Viện Pháp tại Hà Nội, nhằm tôn vinh nghệ thuật hiện đại Việt Nam và làm phong phú thêm những kiến thức về Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925-1945.

 Bà Charlotte Aguttes Reynier, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á sẽ dẫn dắt buổi trò chuyện. Ảnh: BTC

Bà Charlotte Aguttes Reynier, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á sẽ dẫn dắt buổi trò chuyện. Ảnh: BTC

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 25 bản in Gicleé cao cấp của các tác phẩm nổi tiếng từ các họa sĩ như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm…

Các tác phẩm này được tuyển chọn từ hơn 1.000 tác phẩm của 70 nghệ sĩ, chúng phản ánh sự giao thoa giữa nghệ thuật phương Tây và dòng chảy mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ Đông Dương.

Ngoài phần triển lãm, chương trình còn có ba phiên thảo luận art talk, tập trung vào các chủ đề nổi bật: Ký ức về tình bạn giữa Jacques Lebas và Victor Tardieu, hai người có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành Trường Mỹ thuật Đông Dương; sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương và kỹ thuật truyền thống Trung Hoa đối với nghệ thuật hiện đại Đông Dương, đặc biệt là hội họa trên lụa và tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đa văn hóa.

Các phiên thảo luận sẽ được bà Charlotte Aguttes Reynier, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á dẫn dắt. Bà Charlotte đã tập trung nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, đặc biệt là tác phẩm của các họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.

Bà Charlotte Aguttes Reynier cũng là Chủ tịch Hiệp hội các Nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP), tác giả cuốn Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương (L’Art Moderne En Indochine).

Cùng tham gia các phiên art talk là hậu duệ của những họa sĩ đã đóng vai trò quan trọng trong đổi mới nghệ thuật hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với một số nhân vật tiêu biểu trong giới nghệ thuật hiện nay.

 Bản in Gicleé cao cấp các tác phẩm nổi tiếng từ các họa sĩ thời kỳ Đông Dương sẽ có mặt trong triển lãm. Ảnh: BTC

Bản in Gicleé cao cấp các tác phẩm nổi tiếng từ các họa sĩ thời kỳ Đông Dương sẽ có mặt trong triển lãm. Ảnh: BTC

Trong số này có thể kể đến: Bà Lebas - hậu duệ của Jacques Lebas, người kiểm duyệt tại Lyceé Albert Sarrault, phụ trách các lớp lịch sử nghệ thuật tại trường Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930; ông Arnaud Fontani, hậu duệ của nghệ sĩ Evariste Jonchère, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương (từ năm 1938 - 1944); ông Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu nghệ thuật và lịch sử hội họa - cháu nghệ sĩ Nam Sơn; ông Alain Le Kim, con trai họa sĩ Lê Phổ...

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tro-chuyen-ve-nghe-thuat-hien-dai-o-dong-duong-post329015.html