Trồng rừng gỗ lớn - vượt qua thách thức để phát triển bền vững. Bài 2: Vì sao người dân vẫn chưa mặn mà với rừng gỗ lớn?

Tăng giá trị nguồn thu, bảo vệ môi trường sinh thái là những 'lợi ích kép' khi triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Chủ trương này đang được ngành lâm nghiệp đẩy mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, người dân ở một số địa phương còn e dè khi tham gia chuyển đổi sang mô hình này. Hoặc có những chủ rừng lại chỉ tham gia được một thời gian rồi bỏ cuộc.

Chần chừ nhân rộng mô hình

Anh Nguyễn Văn Phú ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ có hơn 5 ha trồng cây keo lai. Bình quân mỗi héc ta sau 4 - 5 năm anh thu được khoảng 70 - 80 triệu đồng, tùy thời điểm. Theo anh Phú, nếu tính toán về hiệu quả kinh tế, mức thu nhập nói trên còn quá thấp. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta rừng chỉ mang lại lợi nhuận từ 8 - 10 triệu đồng/năm. Như vậy 5 ha rừng chỉ giúp gia đình anh trang trải cuộc sống chứ không thể khá giả lên được.

Với kinh nghiệm trồng rừng nhiều năm, anh Phú cho biết, cây keo muốn khai thác hiệu quả phải có độ tuổi từ 7 - 8 năm trở lên. Bởi từ năm thứ 6 trở đi cây keo mới bước vào chu kỳ sinh trưởng mạnh nhất. Hiệu quả kinh tế từ đó cũng cao hơn. Thế nhưng, do sợ ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là bão nên không ai dám “đánh cược” nguồn thu nhập của mình với trời. Hễ cây keo được khoảng 4 - 5 năm là phải cắt bán.

“Những hộ trồng rừng như tôi ai cũng biết là khai thác vào thời điểm này chủ yếu chỉ để bán gỗ dăm, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng không thể làm khác được. Thà thu ít mà ăn chắc còn hơn tay trắng”, anh Phú nói.

Kiểm tra mức độ phát triển của rừng trồng - Ảnh: L.A

Kiểm tra mức độ phát triển của rừng trồng - Ảnh: L.A

Một khó khăn nữa trong việc phát triển rừng gỗ lớn đó là cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế của nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do vậy, những năm qua, người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ chứ chưa chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn.

Ông Trần Viết Văn ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết, mặc dù trồng rừng lâu năm, rừng gỗ lớn sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn nhưng với hộ gia đình như ông thì việc phải chờ từ 8 - 12 năm mới khai thác là rất khó khăn. Bởi lẽ trồng rừng từ 4 - 5 năm khai thác giúp trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành và có nguồn vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, chu kỳ trồng và chăm sóc kéo dài cũng khiến ông Văn luôn lo lắng thiên tai gây thiệt hại.

“Cuối năm 2022 vừa qua, mặc dù 4 ha rừng trồng của tôi mới được chưa đầy 4 năm nhưng do cần tiền để sửa nhà nên tôi đã gọi thương lái tới bán toàn bộ”, ông Văn cho hay.

Xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng nhưng hiện tại rừng trồng tại đây hầu hết vẫn là rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ. Sản phẩm gỗ chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm giấy, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Anh Cáp Quốc Hà, người được mệnh danh là “vua rừng” ở xã Hải Chánh với diện tích hơn 150 ha cho biết, ngoài ảnh hưởng của mưa bão thì yếu tố khiến anh còn e ngại đó là khó khăn trong việc thu mua và phòng cháy, chữa cháy rừng do cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, đường sá đi lại thiếu đồng bộ. Theo anh Hà, thông thường các hộ trồng rừng sẽ trồng và thu hoạch cùng thời điểm với nhau để thuận tiện trong việc khai thác và vận chuyển.

Nên mặc dù có tiềm lực kinh tế nhưng nếu anh chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với thời gian dài hơn thì vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Khi họ khai thác thì mình cũng phải khai thác theo nếu không sẽ không vận chuyển gỗ ra được do đường đi phải đi ngang qua rừng của họ. Ngoài ra còn là nguy cơ cháy rừng khi họ đốt thực bì trước khi trồng lại rừng”, anh Hà phân tích.

Phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp và được thị trường nhiều nước trên thế giới chấp nhận trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Qua đó tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn lại đòi hỏi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài tối thiểu gấp đôi trồng rừng gỗ nhỏ, dẫn đến quá trình khai thác, thu hồi vốn đầu tư dài hơn, trong khi điều kiện người dân còn rất khó khăn, nhu cầu cuộc sống luôn cần tiền để trang trải. Bên cạnh đó, việc vay vốn để đầu tư trồng mới rừng gỗ lớn không hề dễ dàng. Mặc dù nhà nước đã có những chính sách tín dụng để phát triển lâm nghiệp, tuy nhiên thực tế các ngân hàng thường ngại cho vay về lĩnh vực này vì rủi ro cao, thời gian trả nợ kéo dài. Đây thực sự là những khó khăn cần được tháo gỡ để phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, thời gian qua, để đẩy mạnh phát triển rừng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC để gia tăng giá trị. Tuy nhiên, một số người dân vẫn đang còn e ngại bởi chu kỳ khai thác dài, rủi ro lớn do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Cùng với đó là điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn.

“Hiện tại địa phương đang tập trung vận động người trồng rừng đăng ký trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC theo các chính sách hỗ trợ của huyện. Cố gắng phấn đấu trong 2.700 ha diện tích rừng của xã sẽ có khoảng 500 ha chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC”, ông Sinh cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, việc phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC, ngoài bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với trồng rừng gỗ lớn, trong chu kỳ 10 - 12 năm từ khi trồng đến khi khai thác, mỗi héc ta cho thu nhập trên 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với 2 chu kỳ trồng rừng bán gỗ dăm cộng lại.

Bên cạnh đó, khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, các hộ dân còn được tập huấn nâng cao kiến thức trồng rừng, bảo vệ môi trường rừng và đất. Lợi ích là thế, vậy nhưng hiện tại người dân vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC. Dẫn chứng là trong tổng số khoảng 16.200 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng chỉ chiếm khoảng 2.900 ha. Diện tích còn lại tập trung chủ yếu tại các công ty lâm nghiệp.

Nhiều “rào cản” cần tháo gỡ

Năm 2016, thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn, ông Lê Thanh Lâm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh chuyển hóa 2 ha rừng gỗ nhỏ của mình sang rừng gỗ lớn. Chi phí tiền giống, phân bón cho chu kỳ 8 năm hết khoảng 50 triệu đồng. Nếu bán 2 ha rừng gỗ lớn của mình ở thời điểm này, ông Lâm sẽ thu về gần 400 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, ông vẫn còn gần 350 triệu đồng.

Theo ông Lâm, với cùng thời gian 8 năm, nếu trồng 2 chu kỳ gỗ nhỏ, ông phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng tiền giống cây, phân bón. Hai lần bán gỗ dăm ông cũng chỉ thu về được khoảng 200 triệu đồng. Chưa kể, tiền công khai thác sẽ tăng gần gấp đôi so với trồng rừng gỗ lớn. Ví dụ về mô hình của ông Lâm đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế vượt trội của việc trồng rừng gỗ lớn. Thế nhưng, không phải ai cũng nghĩ và làm được như ông Lâm.

Phát triển rừng gỗ lớn giúp đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho các nhà máy chế biến gỗ -Ảnh: H.T

Phát triển rừng gỗ lớn giúp đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho các nhà máy chế biến gỗ -Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết thông tin, vào năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND xã đã vận động được 11 hộ dân đăng ký tham gia mô hình chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn hướng tới việc cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích 30 ha. Thế nhưng, chỉ ít năm sau, khi giá gỗ dăm tăng cao, nhiều hộ đã xin ra khỏi mô hình để khai thác rừng bán gỗ dăm. Vì thế tổng diện tích của mô hình hiện chỉ còn 20 ha.

Theo ông Quyết, Nghị quyết HĐND xã Vĩnh Sơn khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đặt mục tiêu mỗi năm tăng 10 ha rừng gỗ lớn, rừng FSC để gia tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Tuy nhiên, thực tế người dân không thực sự mặn mà. Họ cho rằng, trồng rừng gỗ nhỏ rủi ro thấp hơn, quay vòng vốn nhanh hơn. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã nhiều lần giải thích, hướng dẫn quy trình kỹ thuật rõ ràng. Phân tích các yếu tố rủi ro giữa trồng rừng gỗ lớn chưa hẳn đã nhiều hơn trồng rừng gỗ nhỏ.

Tuy nhiên, do chu kỳ trồng rừng gỗ lớn dài trong khi điều kiện kinh tế của đa phần người trồng rừng đều khó khăn. Nguy cơ rủi ro do thời tiết cực đoan, giá cả thất thường khiến người dân chỉ chờ đến thời điểm cây đủ sinh khối và được giá là bán ngay.

“Trong tổng diện tích hơn 400 ha rừng toàn xã hiện chỉ có 10 ha trồng rừng gỗ lớn và 20 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Với tình hình giá thu mua gỗ rừng trồng lên xuống thất thường như hiện nay, khả năng diện tích rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC của xã tăng lên là khó xảy ra”, ông Quyết chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước, tình hình phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Có thể kể đến như diện tích rừng trồng sản xuất chủ yếu do các chủ rừng có quy mô nhỏ (hộ gia đình) quản lý, diện tích của từng chủ rừng ít, đại đa số trồng rừng với mật độ dày, kinh doanh rừng với luân kỳ ngắn, mục tiêu sản xuất gỗ nhỏ để nhanh thu hồi vốn đầu tư.

Mặc dù cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với luân kỳ dài nhưng sự tham gia phát triển trồng rừng gỗ lớn của nhóm đối tượng này vẫn còn hạn chế về số lượng cũng như quy mô diện tích. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp như đường vận chuyển chủ yếu do các chủ rừng tự làm theo hình thức thời vụ, không được đầu tư đồng bộ, kiên cố nên thường xuyên xuống cấp, lầy lội vào mùa mưa dẫn đến chi phí cho sản xuất tăng cao.

Thậm chí ở một số vùng sản xuất ở xa còn không có hệ thống đường lâm nghiệp, khi khai thác phải vận chuyển sản phẩm bằng biện pháp thủ công nên chi phí tăng, lợi nhuận của người trồng rừng thấp.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của nhà nước cho đầu tư trồng rừng gỗ lớn vẫn còn thấp so với tổng chi phí đầu tư của chủ rừng, lại phải cam kết về thời gian khai thác nên chưa thu hút được các chủ rừng hưởng ứng tham gia. Rừng trồng sản xuất hiện tại vẫn chủ yếu là rừng trồng thuần loài keo, chưa có loài cây khác thay thế nên tiềm ẩn nguy cơ sâu, bệnh hại và cháy rừng.

Vẫn còn hiện tượng sử dụng hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong trồng rừng. Việc sử dụng giống chất lượng cao chỉ mới tập trung ở các tổ chức, công ty lâm nghiệp. Công nghệ gieo ươm cây giống còn mang tính truyền thống, thủ công, năng suất chưa cao. Ngoài ra, còn phải kể đến việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất và thâm canh rừng trồng gỗ lớn đang chậm đi vào thực tiễn. Mối liên hệ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường còn chưa chặt chẽ…

Lê An - Hà Trang - Thanh Trúc

Bài 3: Tạo động lực từ chính sách, hoạt động hỗ trợ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/trong-rung-go-lon-vuot-qua-thach-thuc-de-phat-trien-ben-vung-bai-2-vi-sao-nguoi-dan-van-chua-man-ma-voi-rung-go-lon/177126.htm