Trồng tảo xoắn Spirulina, cô gái Đà Nẵng thu về tiền tỷ mỗi năm
Mạnh dạn đầu tư nuôi trồng giống tảo lạ mang tên Spirulina, chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư thành công đưa đi tiêu thụ muôn nơi, thu về tiền tỷ mỗi năm.
Mô hình tảo xoắn đầu tiên tại Đà Nẵng
Nhiều người nghĩ rằng, tảo xoắn Spirulina chỉ có thể được sản xuất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư (35 tuổi, cư trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã thành công trong việc nuôi trồng và sản xuất tảo ngay trên mảnh đất Đà Nẵng.
Nhắc đến tảo xoắn, chị Thư thường xem đó là cái “duyên”. Chị biết đến Spirulina trong một lần tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung cho ông ngoại đang mắc bệnh ung thư. Chị tìm hiểu rất kỹ về tỉ lệ dinh dưỡng cũng như công dụng của tảo xoắn và nhờ người quen đặt mua loại tảo này ở Nhật Bản về cho ông dùng.
Chị Thư chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử một lượng tảo nhỏ, xay tươi cho ông ngoại uống mỗi ngày. Không lâu sau, sức khỏe của ông cải thiện rõ rệt, ăn uống ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn. Điều đó trở thành động lực để tôi mạnh dạn mở rộng mô hình, phát triển sản phẩm, với mong muốn mang loại tảo thần kỳ này đến với nhiều người hơn”.
Nghĩ là làm, năm 2016, chị Thư bắt tay vào nuôi trồng, nhân giống tảo ngay tại nhà. Chị tận dụng 50 m2 trên sân thượng để nuôi tảo. Ngay khi bắt đầu do thiếu kinh nghiệm, chị liên tiếp gặp thất bại, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Lúc đầu thật sự rất khó khăn, tôi không hiểu nhiều về giống tảo lạ lại thiếu kinh nghiệm nên liên tục thất bại. Có hôm đang sục khí thì nửa đêm cúp điện, sáng hôm sau tảo chết hàng loạt. Hay vào mùa hè, trời nắng gắt, chỉ sau một buổi, cả hồ tảo chuyển sang màu vàng. Tảo cứ chết liên tục khiến tôi vô cùng nản, nhiều lúc lại nghĩ đến việc từ bỏ” - chị Thư tâm sự.
Trong quá trình giao lưu học hỏi kinh nghiệm, cơ sở của chị được chuyển giao công nghệ nuôi trồng tảo của Nhật. Chị linh hoạt kết hợp giữa nuôi kín và hở, ứng dụng công nghệ cao tự động, trang bị lưới chống côn trùng, bụi bẩn, mang đến sản phẩm sạch, năng suất cao.
Cuối cùng, sau 2 năm không ngừng nỗ lực, chị đã thành công trong việc nhân giống tảo xoắn, ra mắt sản phẩm tảo Spirulina tươi, mở ra một bước ngoặt mới cho hành trình của mình.
Phát triển sản phẩm nông nghiệp xanh
Năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt với 7 thành viên và vốn điều lệ ban đầu là 200 triệu đồng. Chị Thư đảm nhận vai trò giám đốc, dẫn dắt và định hướng hoạt động của hợp tác xã. Kể từ đó, các sản phẩm không ngừng cải tiến về cả mẫu mã lẫn chất lượng, nhận được sự tin tưởng của đông đảo khách hàng.
Thông thường, sau khi nhân giống và đạt tới số lượng tảo nhất định chị sẽ mang ra hồ thương phẩm để nuôi. Sau khoảng thời gian 30 ngày sẽ tiến hành thu hoạch một lần. Mỗi bể 20 m3 thu về khoảng 10 - 20 kg tảo tươi, tùy mùa và nhiệt độ.
Chị Thư cho biết, nhiệt độ nước lý tưởng cho tảo phát triển nằm trong khoảng 32 - 35 độ C. Nếu nhiệt độ xuống dưới 17 độ C, tảo sẽ ngừng phát triển. Ngược lại, khi quá nóng, tảo sẽ bị úa vàng và chết. Tảo xoắn là thể đơn bào, nên rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, nhiệt độ,...
Hiện tại, Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt sản xuất hơn 10 loại sản phẩm khác nhau như tảo tươi, tảo sấy lạnh, tảo mặt nạ, bánh tảo,... Sản phẩm được chế biến dưới nhiều dạng như viên tươi, bột khô, dạng vảy đảm bảo đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng. Giá thành dao động từ 40.000 đồng - 600.000 đồng tùy loại sản phẩm.
Chị Thư chia sẻ: “Không ngoa khi gọi đây là tế bào hoàn hảo nhất hành tinh. Bởi nó chứa gần như đầy đủ các nhóm chất cần thiết, bao gồm đạm, protein, axit amin, vitamin, chất khoáng, chất béo,... Tất cả những thành phần này đều có lợi cho sức khỏe, giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính, làm đẹp da”.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện sản phẩm tảo xoắn của hợp tác xã đang được phân phối tại các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Trong đó, nổi bật là tại TP. Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... Chị còn gửi sản phẩm đi một số nước như Mỹ, Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng hợp tác xã của chị Thư mang về doanh thu 90 – 100 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.
Trong những năm qua, sản phẩm của hợp tác xã liên tục đạt được thành tích cao trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năm 2019, tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh được công nhận là sản phẩm Nông nghiệp Nông thôn tiêu biểu của TP. Đà Nẵng. Năm 2020, dự án "Ứng dụng công nghệ OCP – sấy lạnh không khí đối lưu trong mô hình nuôi tảo xoắn sạch" giành giải thưởng từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cũng trong năm này, tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh cũng đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được công nhận là sản phẩm thương mại đặc trưng của thành phố.
Hiện tại, hợp tác xã của chị Thư đang hướng đến nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm sữa rửa mặt, son làm từ tảo. Những dòng mỹ phẩm sạch, an toàn này đang là xu hướng được giới làm đẹp ưa chuộng hiện nay.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển sắp tới, chị Thư cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu sử dụng tảo xoắn ngày càng lớn, nên sắp tới tôi sẽ mở thêm sơ sở mới để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng và sản xuất tảo, hướng đến thị trường tiêu thụ quốc tế”.
Chị Thư còn phát triển mô hình nuôi tảo kết hợp với du lịch trải nghiệm, tạo cơ hội cho khách hàng trực tiếp tham quan và tìm hiểu quy trình nuôi tảo. Qua đó, khách tham quan không chỉ có những trải nghiệm thực tế mà còn giúp thương hiệu tảo xoắn Đà Nẵng ngày càng vang xa.