Trung Quốc chấn chỉnh đội tàu cá xa bờ, liệu có khả thi?

Việc hải quân Ecuador phát hiện gần đây một đội tàu đánh cá khổng lồ gồm 340 tàu Trung Quốc ngay ngoài khơi quần đảo Galapagos đã gây phẫn nộ ở cả Ecuador và nước ngoài. Dưới áp lực sau phản ứng cứng rắn của Ecuador, Trung Quốc bắt đầu chấn chỉnh lại đội tàu cá của mình trên vùng biển quốc tế rộng lớn.

Hải quân Ecuador theo dõi đội tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển quốc tế giáp với đảo Galapagos hôm 7-8

Hải quân Ecuador theo dõi đội tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển quốc tế giáp với đảo Galapagos hôm 7-8

Dữ liệu mới nhất cho thấy, 325 trong số 340 tàu vẫn đang “lảng vảng” ở ngoài khơi Ecuador. Xuất hiện từ giữa tháng 7-2020, đội tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ngoài khơi nhưng tác động đến khu vực bãi biển Galapagos ngày càng rõ rệt. Người dân trên đảo có thể nhặt được hàng trăm chai nhựa có chữ Trung Quốc trôi dạt vào bờ mỗi ngày. Các nhà khoa học cảnh báo, đội tàu cá “khủng” này đang tận diệt các loài có nguy cơ tuyệt chủng và uy hiếp môi trường sinh thái độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bên cạnh đó, chỉ huy hải quân địa phương Darwin Jarrin tuần trước cho biết, gần một nửa số tàu của Bắc Kinh đã ngắt liên lạc qua vệ tinh, vi phạm các quy tắc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Những tình tiết đó đã cho thấy Ecuador - một quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương gặp khó khăn thế nào khi phải chống chọi với một “hạm đội tàu cá” Trung Quốc khi họ đổ về gần quần đảo đã truyền cảm hứng cho thuyết Tiến hóa của nhà bác học lừng danh Charles Darwin. Quần đảo Galapagos trên Thái Bình Dương được ca ngợi là một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học lớn nhất trên Trái đất và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1957.

Trước đó, đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, cho đến nay là lớn nhất thế giới, đã đánh bắt quá mức trên những vùng biển xa hơn nhiều so với quần đảo Galapagos ngoài khơi Ecuador. Từ Vịnh Guinea của Tây Phi đến bán đảo Triều Tiên, đội tàu cá này đã di chuyển vào vùng biển của các quốc gia khác, tắt thiết bị phát sóng để tránh bị phát hiện, làm cạn kiệt nguồn cá và đe dọa an ninh lương thực cho các cộng đồng nghèo ven biển. Ở Đông Á, các tàu đánh cá có thể hoạt động như đội tiên phong của một chiến lược địa chính trị nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.

Dưới áp lực sau phản ứng cứng rắn của Ecuador, Trung Quốc đã đưa ra những tín hiệu rằng nước này có thể bắt đầu chấn chỉnh lại đội tàu cá trên vùng biển quốc tế rộng lớn của mình. Các quy định mới được Trung Quốc đưa ra trong tuần này bao gồm các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các công ty và thuyền trưởng liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát. Mặc dù vậy, các nhà bảo tồn biển tỏ ra nghi ngờ về điều này.

“Ngoài thông báo một chiều này, vấn đề căn bản vẫn không thay đổi. Các tàu này hoạt động mà không có người quan sát trên tàu, họ không vào cảng mà chuyển hàng đánh bắt được cho tàu mẹ. Tóm lại, họ đánh cá mọi lúc, hoạt động đánh bắt không ngừng”, Pablo Guerrero, Giám đốc bảo tồn biển của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Ecuador cho biết. Chuyên gia này nói thêm, đội tàu cá của Trung Quốc là một mạng lưới rộng lớn và phức tạp. Trong số hàng trăm tàu có các nhà cung cấp nhiên liệu, tàu đánh cá, tàu bảo ôn, một số tàu ngụy trang các tàu không đăng ký.

Tổ chức phi chính phủ Global fishing watch và Viện Phát triển nước ngoài (ODI) đã sử dụng công nghệ tiên tiến và phân tích dữ liệu để chỉ ra rằng quy mô và phạm vi của đội tàu cá đánh bắt xa bờ nhưng không báo cáo của Trung Quốc rất lớn. ODI phát hiện năm 2019, Trung Quốc có 16.966 tàu cá, nhiều gấp 5 lần so với ước tính trước đó. Ngược lại, đội tàu cá xa bờ của Mỹ chỉ khoảng 300 tàu thuyền. Năm 2017, trong kế hoạch 5 năm nghề cá lần thứ 13 của mình, Trung Quốc đã công bố nâng quy mô đội tàu lên 3.000 tàu vào năm 2020.

“Chúng tôi bị sốc trước con số 16.966 tàu cá vì chỉ đoán là họ có khoảng 4.000 hoặc 5.000 tàu. Cuộc nghiên cứu kéo dài hơn 1 năm cũng cho thấy gần 1.000 tàu thuyền Trung Quốc đang treo “cờ tùy ý” và ít nhất 183 tàu nghi có liên quan đến việc đánh bắt bất hợp pháp.

Ông Miren Gutíerrez (tác giả chính tham gia nghiên cứu về tình hình đánh bắt cá trái phép do Viện Phát triển Nước ngoài chủ trì)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-chan-chinh-doi-tau-ca-xa-bo-lieu-co-kha-thi-post442439.antd