Trung Quốc tự cung tự cấp tuyệt đối về lương thực

Luật an ninh lương thực đầu tiên của Trung Quốc nhằm đạt được tự cung tự cấp tuyệt đối về lương thực chính, đã có hiệu lực từ hôm nay (1/6), củng cố nỗ lực của nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới trong việc giảm phụ thuộc vào mua sắm ở nước ngoài.

Luật an ninh lương thực cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho định hướng hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực, mặc dù không đưa ra chi tiết về cách thức thực hiện luật này, Reuters đưa tin ngày 1/6.

Định hướng bao gồm việc bảo vệ đất nông nghiệp khỏi việc chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác, bảo vệ nguồn gien giống cây trồng và ngăn chặn lãng phí.

Theo nhiều chuyên gia, được thông qua chỉ sáu tháng sau lần thảo luận đầu tiên, sự gấp gáp thông qua luật an ninh lương thực phản ánh sự cấp bách của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề đã hạn chế sản xuất, như thiếu đất canh tác và nguồn nước, thiếu lao động, thiếu công nghệ nông nghiệp…

Luật này quy trách nhiệm cho chính quyền Trung ương và địa phương phải đưa an ninh lương thực vào các kế hoạch kinh tế và phát triển của họ, đảm bảo rằng nguồn cung lương thực vẫn là ưu tiên hàng đầu ở quốc gia có lịch sử đau thương về nạn đói.

Theo một quy định trong luật, Trung Quốc thực hiện chiến lược an ninh lương thực quốc gia “đặt Trung Quốc lên hàng đầu” bằng cách nhập khẩu ở mức độ vừa phải và sử dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để tăng cường sản xuất.

“Phải tuân thủ nguyên tắc lưu trữ lương thực trong lòng đất và sử dụng công nghệ để cải thiện sản xuất lương thực”, luật này nêu rõ, để đảm bảo “tự cung tự cấp cơ bản về ngũ cốc và tự cung tự cấp tuyệt đối về lương thực chính”.

Luật cũng quy định việc thành lập kế hoạch khẩn cấp quốc gia về lương thực và hệ thống giám sát an ninh lương thực.

Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa về “ngũ cốc thô” để bao gồm kê và yến mạch, ngoài cao lương, lúa mạch, kiều mạch, đậu xanh và khoai tây. Ngũ cốc bao gồm lúa mì, gạo, ngô, đậu nành và ngũ cốc thô.

Nông dân làm đất trên cánh đồng ở Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 20/7/2022. Ảnh: Xinhua.

Nông dân làm đất trên cánh đồng ở Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 20/7/2022. Ảnh: Xinhua.

Phạm luật có thể bị phạt tới 72 tỷ đồng

Các tổ chức vi phạm luật có thể bị phạt từ 20.000 nhân dân tệ đến 2 triệu nhân dân tệ (từ 72 triệu đồng đến 72 tỷ đồng), trong khi các cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 20.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ.

Luật này cũng nói rằng Trung Quốc sẽ “tăng cường hợp tác an ninh lương thực quốc tế và cho phép thương mại ngũ cốc quốc tế đóng vai trò của mình”. Tuy nhiên, luật không nêu chi tiết về vấn đề này.

Các nhà phân tích cho rằng luật này được viết một cách mơ hồ và có thể không có tác động đáng kể đến cách Trung Quốc tăng cường sản xuất lương thực.

“Luật không thay đổi thực tế đối với các quan chức địa phương, những người đã chịu áp lực đáng kể để đảm bảo an ninh lương thực”, Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

“Luật an ninh lương thực này hợp pháp hóa các thực hành hiện tại, nhưng không thay đổi gì. An ninh lương thực đã là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu, và không thể cao hơn được nữa”, bà Pay nói thêm.

Nông dân thu hoạch lúa ở Quảng Tây, Trung Quốc ngày 20/7/2022. Ảnh: Xinhua.

Nông dân thu hoạch lúa ở Quảng Tây, Trung Quốc ngày 20/7/2022. Ảnh: Xinhua.

Thái An (theo Reuters, Xinhua)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-tu-cung-tu-cap-tuyet-doi-ve-luong-thuc-post1642305.tpo