Trung Quốc xác định mục tiêu kinh tế hàng đầu năm 2025
Trong năm 2025, Trung Quốc xác định mục tiêu hàng đầu là đẩy mạnh nâng cao tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc (11-12/12), Trung Quốc đã xác định mục tiêu hàng đầu trong năm 2025 là đẩy mạnh nâng cao tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước.
Giới phân tích nhận định, việc đặt thứ tự các nhiệm vụ kinh tế cần triển khai trong năm 2025 có sự khác biệt so với năm trước, hơn nữa ngôn từ sử dụng từ “mở rộng nhu cầu trong nước” thành “mở rộng nhu cầu trong nước toàn diện” đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc mở rộng nhu cầu trong nước trong năm 2025.
Chuyên gia Trương Lập Quần, Phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: “Hiện tại, Trung Quốc đang mất cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu, vấn đề thiếu nhu cầu ngày càng rõ nét và việc mở rộng nhu cầu trong nước đã trở thành nhiệm vụ chính hiện nay.
Các sáng kiến liên quan được đề xuất tại hội nghị lần này rất có mục tiêu, đó là thông qua việc thực hiện chính sách vĩ mô của chính phủ để thúc đẩy nhu cầu trong nước và điều chỉnh sự mất cân bằng tổng sản lượng dưới sự định hướng của thị trường”.
Tại hội nghị lần này, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều định hướng, điều chỉnh chính sách kinh tế. Về mặt chính sách vĩ mô, Hội nghị đề xuất cần thực hiện chính sách tài chính tích cực hơn và chính sách tiền tệ lỏng lẻo vừa phải, đồng thời nhấn mạnh cần phải phối hợp tốt chính sách này. Sự kết hợp chính sách tài chính, tiền tệ tích cực hơn và vừa phải hơn làm nổi bật rằng chính sách vĩ mô năm tới sẽ tích cực và hứa hẹn hơn, phản ánh “sự điều chỉnh ngược chu kỳ bất thường”.
Về chính sách tài khóa, hội nghị nêu rõ tỷ lệ thâm hụt tài khóa sẽ được tăng lên để đảm bảo chính sách tài khóa tiếp tục mạnh mẽ hơn. Chuyên gia La Chí Hằng, nhà kinh tế trưởng và Viện trưởng Viện nghiên cứu Chứng khoán Quảng Đông nhận định, tỷ lệ thâm hụt tăng có ba ý nghĩa: Thứ nhất, quy mô thâm hụt sẽ tăng thêm, có lợi cho việc mở rộng chi tiêu, tăng cường khả năng điều chỉnh nghịch chu kỳ của hệ thống tài chính và ngăn ngừa rủi ro tốt hơn, mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân và ổn định tăng trưởng. Thứ hai, tỷ lệ thâm hụt và các công cụ tài chính khác là khác nhau. Tỷ lệ thâm hụt có thể truyền tải tốt hơn các ý định chính sách và cụ thể hơn, thể hiện tín hiệu chính sách mạnh mẽ. Thứ ba, quy mô thâm hụt có thể bị chi phối bởi nợ chính phủ trung ương có thể đảm bảo tốt hơn sự ổn định của nguồn tài chính cơ sở và tăng mức độ khả dụng của nguồn tài chính địa phương, có lợi cho chính quyền địa phương.
Về mặt chính sách tiền tệ, hội nghị xác định rõ, phát huy tốt chức năng kép về tổng lượng và cơ cấu của công cụ chính sách tiền tệ, cần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất kịp thời để duy trì đủ thanh khoản, bảo đảm tăng trưởng quy mô tài chính xã hội và cung tiền phù hợp với mục tiêu dự kiến về tăng trưởng kinh tế và mặt bằng giá chung.
Chuyên gia Lâu Phi Bằng, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Bưu chính Trung Quốc cho biết, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất đáng kể trong năm tới để định hướng thúc đẩy giảm chi phí tài chính toàn diện cho xã hội. Đồng thời, duy trì tính thanh khoản hợp lý, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu vốn trong lĩnh vực kinh tế thực.
Điều đáng chú ý là, hội nghị còn đề xuất tăng cường điều phối và phối hợp các chính sách và biện pháp cải cách mở cửa như tài chính, tiền tệ, việc làm, ngành nghề, khu vực, thương mại, bảo vệ môi trường, giám sát và quản lý… hoàn thiện cơ chế trao đổi, hiệp thương và phản hồi hiệu quả giữa các ban ngành, tăng cường hợp lực chính sách.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngành nghề Quảng Khai, Liêm Bình, để triển khai tổng hợp các chính sách tốt vào năm 2025, cần tăng cường hợp tác giữa các bộ, ủy ban trung ương và các đơn vị chịu trách nhiệm trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế, chú ý phối hợp hệ thống, thúc đẩy mọi công tác phối hợp một cách toàn diện và nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi chính sách vĩ mô./.