Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lý giải nguyên nhân mưa dông mạnh tại Quảng Ninh và Bắc Bộ

Chiều 19/7, khu vực Bắc Bộ xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi có dông mạnh, lốc xoáy và gió giật. Tại Quảng Ninh, dông lốc bất ngờ khiến tàu du lịch QN7105 bị lật khi đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long, gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Hình ảnh phản hồi Radar thời tiết Phủ Liễn vào 13 giờ 30 ngày 19/7/2025 (trích dẫn từ bản tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ tỉnh Quảng Ninh phát lúc 13 giờ 30 ngày 19/7/2025).

Hình ảnh phản hồi Radar thời tiết Phủ Liễn vào 13 giờ 30 ngày 19/7/2025 (trích dẫn từ bản tin cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ tỉnh Quảng Ninh phát lúc 13 giờ 30 ngày 19/7/2025).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã có phản hồi trước các ý kiến dư luận, đồng thời lý giải rõ nguyên nhân hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Mưa dông mạnh do hệ thống siêu dông kết hợp dải hội tụ nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chiều 19/7, khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi có dông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật. Gió mạnh được ghi nhận tại nhiều trạm: Cửa Ông (Quảng Ninh) giật 16m/giây (cấp 7), Bãi Cháy (Quảng Ninh) giật 26m/giây (cấp 10), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) giật 18m/giây (cấp 8).

Cùng thời điểm, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách Vịnh Hạ Long hơn 1.000km về phía Đông. Với hoàn lưu khoảng 200km–300km, bão số 3 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Nguyên nhân gây mưa dông mạnh tại Bắc Bộ và vùng biển Vịnh Bắc Bộ là do tác động của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực này, kết hợp với nền nhiệt cao trong ba ngày liên tiếp, tạo ra dòng thăng mạnh trong điều kiện khí quyển bất ổn định. Hiện tượng này hình thành hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems – MCSs) có khả năng gây mưa rất to, kèm sét, lốc, gió giật và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.

Theo các chuyên gia, hệ thống siêu dông là tập hợp nhiều cụm mây dông phát triển, có đường kính từ vài chục đến vài trăm km, tồn tại nhiều giờ, thậm chí tới 24 giờ, mạnh hơn và bền hơn so với dông đơn lẻ. Hình ảnh phản hồi radar Phủ Liễn lúc 13 giờ 30 phút ngày 19/7 cho thấy vùng mây đối lưu phát triển mạnh bao trùm khu vực Vịnh Hạ Long.

Theo các chuyên gia, hệ thống siêu dông là tập hợp nhiều cụm mây dông phát triển, có đường kính từ vài chục đến vài trăm km, tồn tại nhiều giờ, thậm chí tới 24 giờ, mạnh hơn và bền hơn so với dông đơn lẻ. Hình ảnh phản hồi radar Phủ Liễn lúc 13 giờ 30 phút ngày 19/7 cho thấy vùng mây đối lưu phát triển mạnh bao trùm khu vực Vịnh Hạ Long.

Trung tâm Khí tượng: Đã phát tin cảnh báo kịp thời

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, vào khoảng 13 giờ 45 phút ngày 19/7, tàu du lịch QN7105 chở 48 hành khách và 5 thuyền viên khi đang tham quan tuyến 2 trên Vịnh Hạ Long. Vị trí tai nạn được xác định giữa Hòn Gà Chọi và Núi Bài Thơ, cách đất liền khoảng 3 hải lý.

Sự cố bất ngờ và thương tâm này khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng dự báo thời tiết, nhất là tại khu vực du lịch trọng điểm như Vịnh Hạ Long. Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng không thấy cảnh báo rõ ràng về dông lốc.

Trước các phản ánh từ người dân, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khẳng định đã phát hành nhiều bản tin cảnh báo từ sớm. Cụ thể, bản tin cảnh báo đầu được Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh phát lúc 11 giờ 45 phút ngày 19/7, dựa trên ảnh radar thời tiết, nêu rõ mây đối lưu phát triển và khả năng gây mưa dông, lốc, sét tại nhiều khu vực, trong đó có cả phường Hạ Long.

Bản tin cảnh báo tiếp theo được phát lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày, tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ mưa rào, dông, gió giật mạnh tại nhiều xã, phường trên địa bàn. Ngoài ra, trong bản tin dự báo hải văn phát lúc 15 giờ 30 phút ngày 18/7, Đài cũng đã dự báo vùng biển Bãi Cháy-Vịnh Hạ Long có mưa rào rải rác và biển động trong ngày 19/7.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã phát hành bản tin thời tiết biển lúc 4 giờ 30 ngày 19/7, dự báo Vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông, đêm có dông rải rác, kèm khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cục Khí tượng Thủy văn khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì hoạt động ổn định của hệ thống quan trắc, thông tin liên lạc; cập nhật, truyền tải kịp thời bản tin tới Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp và người dân thông qua các nền tảng công nghệ số, phương tiện truyền thông.

Dự báo thời tiết những ngày tới

Dự báo từ đêm 19/7 đến ngày 21/7, do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có mưa bão; vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông rải rác.

Từ đêm 20/7 đến ngày 21/7, vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–12, giật cấp 15; sóng biển cao 4m–6m, biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ từ ngày 21/7 có gió mạnh dần lên cấp 6–7, sau tăng cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 13; sóng biển cao 2m–5m, biển động dữ dội.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão số 3 và thời tiết biển, sẵn sàng cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-tam-du-bao-khi-tuong-thuy-van-quoc-gia-ly-giai-nguyen-nhan-mua-dong-manh-tai-quang-ninh-va-bac-bo-post894882.html