Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Ngày 13/12, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923, tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Năm 1936, đồng chí tham gia cách mạng từ phong trào bình dân và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 12/1939. Trải qua nhiều cương vị quan trọng ở địa phương, đến năm 1947, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.
Từ năm 1951 - 1956, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Tổ chức cán bộ - Tổng cục Chính trị và Trưởng ban Tổ chức cán bộ các chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ năm 1955 đến 1966, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ các chức vụ như Đại đoàn bậc trưởng, Cục trưởng Cục Động viên dân quân; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Chính ủy, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Trung - Hạ Lào; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương…
Đầu năm 1967, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam, kiêm Trưởng đoàn chuyên gia cố vấn ở Trung - Hạ Lào. Trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với tập thể Đảng ủy - Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng giao với tư duy sáng tạo mang tầm chiến lược, góp phần rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Điển hình là đề xuất thay đổi mô hình tổ chức lực lượng phù hợp với từng thời điểm; thay đổi tư tưởng "lấy phòng tránh là chính" sang chủ động tiến công, biến tuyến vận tải thành một chiến trường "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến". Chiến lược mở thêm một số trục vượt khẩu, trục dọc, đường vòng tránh để phá thế độc đạo, để chống "chiến tranh ngăn chặn", vô hiệu hóa sự đánh phá của địch đảm bảo cho vận chuyển được liên tục; mở đường kín, chuyển vận tải ô tô từ chạy đêm sang chạy ngày (chạy với đội hình lớn) đối phó có hiệu quả đối với sự đánh phá ác liệt của máy bay địch.
Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sỹ. Nếu không có sự chủ động ấy sẽ không thể có trên 10.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, và Nhà nước như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế. Năm 1977, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị khóa (VI).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đóng góp công lao to lớn vào thành tích chung của Bộ đội Trường Sơn, được đánh giá là Tư lệnh chiến trường tài năng, xuất chúng, một vị lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, quyết liệt, quyết đoán.