Trường ĐH về nghệ thuật được đào tạo trung cấp, cao đẳng là phù hợp với đặc thù ngành
Trong giáo dục nghệ thuật không thể chia tách thành từng bậc học độc lập mà phải triển khai theo mô hình tích hợp, dài hạn, cá thể hóa từ sớm.
So với quy định hiện hành, Điều 5 của Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đã đổi tên và mở rộng khái niệm về các đơn vị tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Khái niệm “cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp” được đưa vào để bao gồm không chỉ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính quy mà còn mở rộng đến cơ sở giáo dục đại học có thể đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp trong nhóm ngành nghệ thuật.
Đại diện một số cơ sở giáo dục đại học về nghệ thuật khẳng định, điều này vô cùng cần thiết để đảm bảo chất lượng và số lượng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Các trường đại học về nghệ thuật được đào tạo trung cấp, cao đẳng là hợp lý
Nhận định về điểm mới này trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Thanh Tú - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Múa Việt Nam cho biết, về lý luận giáo dục, đây là bước tiệm cận mô hình “giáo dục theo tuyến tích hợp”, thay thế cách tiếp cận phân tầng cứng.
Trong giáo dục nghệ thuật, đặc biệt ở các lĩnh vực biểu diễn và sáng tạo chuyên sâu như múa, âm nhạc, sân khấu… quá trình hình thành năng lực nghề nghiệp không thể chia tách thành từng bậc học độc lập mà phải được triển khai theo mô hình đào tạo tích hợp, dài hạn và cá thể hóa từ rất sớm.
Mô hình này đang được áp dụng ở các quốc gia có nền đào tạo nghệ thuật phát triển như Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, các cơ sở như Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… đã vận hành mô hình tích hợp từ nhiều thập niên.
Do đó, việc bổ sung quy định pháp lý cho phép cơ sở giáo dục đại học nghệ thuật được tổ chức đào tạo từ trình độ trung cấp, cao đẳng là bước đi cần thiết để “hợp thức hóa” một thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo tài năng nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
Hiện, hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đang được xác lập thành 2 loại hình tách biệt, dẫn đến nhiều rào cản trong vận hành các mô hình đào tạo đặc thù, nhất là đối với các trường nghệ thuật vốn phải tổ chức đào tạo từ độ tuổi nhỏ, chương trình dài hạn và nội dung tích hợp.
Thực tế, không thể tách rời phần đào tạo trung cấp, cao đẳng ra khỏi cơ cấu đại học do đặc thù về đội ngũ giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất, chương trình học và phương pháp sư phạm truyền nghề. Tuy nhiên, do chưa căn cứ pháp lý rõ ràng, nhiều trường buộc phải vận hành trong trạng thái “vừa làm vừa xin phép từng năm”, gây khó khăn trong quản lý, kiểm định, cấp bằng và phân bổ nguồn lực đào tạo.
Thạc sĩ Bùi Thanh Tú phân tích thêm, về lợi ích thực tiễn, quy định mới trong dự thảo mang lại 3 thuận lợi cơ bản trong phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật. Đầu tiên, tạo điều kiện hợp pháp hóa và bảo vệ mô hình đào tạo tích hợp xuyên suốt từ trung cấp đến đại học – vốn là cấu trúc đào tạo tất yếu trong các ngành nghệ thuật đỉnh cao. Việc phát hiện và đào tạo tài năng nghệ thuật không thể bị ngắt quãng, càng không thể áp dụng mô hình đào tạo ngắn hạn hay rút gọn. Nếu không có hành lang pháp lý phù hợp, các trường nghệ thuật sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, tổ chức chương trình tích hợp, cấp văn bằng và triển khai kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó, giúp phát huy tối đa đội ngũ giảng viên là nghệ sĩ – nghệ nhân trong chính cơ sở giáo dục đại học nghệ thuật, bảo đảm quá trình truyền nghề được tổ chức liền mạch, cá thể hóa và gắn kết chặt chẽ với hoạt động biểu diễn thực tiễn ngay tại chỗ.
Khi cho phép triển khai đào tạo trung cấp, cao đẳng trong cơ sở giáo dục đại học sẽ khắc phục tình trạng “phân mảnh nhân sự”, vốn đang làm gián đoạn mối quan hệ giữa người truyền nghề và người học. Nhờ đó, các trường có thể xây dựng được hệ thống đào tạo liên tục – từ phát hiện năng khiếu đến huấn luyện chuyên sâu, định hình bản sắc nghệ thuật – trong cùng một hệ thống đội ngũ, chương trình và không gian biểu diễn, sáng tạo.
Việc này còn mở rộng cơ hội học tập, phát triển học thuật và nghề nghiệp cho người học nghệ thuật – đối tượng có lộ trình đào tạo đặc biệt nhưng lại thường bị thiệt thòi về mặt pháp lý.
Với quy định hiện hành, nhiều học sinh theo học chương trình tích hợp 6–9 năm tại các trường nghệ thuật không đủ điều kiện học lên đại học do không có bằng trung học phổ thông (có trường trung cấp nghệ thuật học sinh không học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên).
Việc cho phép các trường đại học nghệ thuật tổ chức đào tạo từ trình độ trung cấp sẽ mở ra lộ trình liên thông hợp pháp, liên tục và tương thích với đặc thù phát triển năng lực của người học, bảo đảm quyền học tập, quyền được công nhận năng lực và hội nhập học thuật một cách công bằng.
“Điểm mới trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp không chỉ mang tính kỹ thuật, mà là một bước tiến có tính nguyên lý trong cách tiếp cận hệ thống giáo dục nghệ thuật. Đó là tiền đề để xây dựng thể chế linh hoạt, mở đường cho các mô hình đào tạo tích hợp, cá thể hóa, gắn với sáng tạo – vốn là bản chất cốt lõi của đào tạo nghệ thuật.
Để quy định này phát huy hiệu quả thực tiễn, cần có các hướng dẫn chi tiết đi kèm về: khung chương trình tích hợp, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng riêng, chuẩn đầu ra đặc thù, và cơ chế công nhận văn bằng – chuyển tiếp phù hợp với mô hình giáo dục đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật” - thầy Tú chia sẻ.

Thạc sĩ Bùi Thanh Tú - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lĩnh vực nghệ thuật có những đặc thù riêng biệt mà hệ thống Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học chưa thể bao quát hết.
Đó là tính năng khiếu và bẩm sinh, yêu cầu tuyển sinh, đào tạo và đánh giá phải dựa trên năng khiếu cá nhân; tính thực hành và sáng tạo cao, chương trình đào tạo ưu tiên thực hành, biểu diễn, sáng tác...; tính cá biệt hóa, phương pháp giảng dạy thường theo hình thức một thầy một trò, nhóm nhỏ, hoặc kèm cặp…
Mô hình đào tạo đa dạng, từ đào tạo năng khiếu sớm, các khóa học ngắn hạn, đến các chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học; đội ngũ giảng viên đặc thù, bao gồm các nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia đầu ngành, những người có thể không có bằng cấp sư phạm truyền thống nhưng giàu kinh nghiệm thực tiễn.
Bên cạnh đó, giá trị văn bằng và công nhận năng lực, cần công nhận rộng rãi hơn các thành tựu, danh hiệu nghệ thuật bên cạnh bằng cấp chính quy; liên thông và học tập suốt đời, nhu cầu liên thông giữa các cấp độ, giữa đào tạo chính quy và phi chính quy rất lớn.
Việc không có các quy định phù hợp sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật, người học và người dạy, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Theo thầy Phương: "Việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp với các trường đào tạo nghệ thuật nói chung và ngành âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng là điều cần thiết. Điều này giúp duy trì truyền thống đào tạo và khai thác tối đa đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của Học viện.
Mô hình liên thông từ trung cấp, cao đẳng - đại học - sau đại học giúp đảm bảo tính liên tục và nâng cao chất lượng trong đào tạo, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực để tiếp tục đào tạo trình độ đại học".

Ảnh minh họa: Website Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Cần bổ sung thêm nhiều quy định để "gỡ rối" cho đào tạo đặc thù
Đề cập thêm đến việc sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, đại diện Học viện Múa Việt Nam mong muốn Luật mới không chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật đối với các quy định hiện hành mà thực sự là một bước chuyển về tư duy pháp lý – tạo lập hành lang thể chế linh hoạt, đặc thù.
Thạc sĩ Bùi Thanh Tùng nói: "Luật sửa đổi cần thể hiện rõ nguyên tắc công nhận tính đặc thù của giáo dục nghệ thuật, không chỉ ở phần giải thích thuật ngữ mà xuyên suốt trong các điều khoản về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra, liên thông và cấp văn bằng.
Bên cạnh việc cho phép cơ sở giáo dục nghệ thuật đào tạo trung cấp, cao đẳng, nhà trường mong muốn có cơ chế cho phép xây dựng chuẩn đầu ra đặc thù theo từng lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ, sản phẩm biểu diễn, tác phẩm sáng tác, chương trình công diễn thay cho luận văn hay thi viết truyền thống – nhằm đánh giá đúng thực chất năng lực chuyên môn của người học.
Về đội ngũ, đề nghị mở rộng cách tiếp cận công nhận giảng viên theo tiêu chí năng lực nghề nghiệp thay cho bằng cấp hàn lâm. Đối với các trường nghệ thuật, đội ngũ giảng viên thực hành không thể được đánh giá đơn thuần qua bằng cấp hàn lâm.
Do đó, Luật cần mở cơ chế cho phép công nhận tương đương chuẩn giảng viên thông qua hồ sơ năng lực, danh hiệu nghề nghiệp và kết quả đào tạo thực tế, đồng thời giao Bộ chuyên ngành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chuẩn riêng theo từng nhóm ngành đặc thù".
Ngoài các quy định trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), đại diện Học viện Múa Việt Nam đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ riêng cho cơ sở đào tạo nghệ thuật đặc thù.
Chính sách tuyển sinh linh hoạt, cho phép tuyển sinh từ độ tuổi nhỏ, theo năng khiếu nghệ thuật thay cho học lực văn hóa phổ thông;
Hỗ trợ học phí, học bổng đặc biệt cho học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật dân tộc, truyền thống, hiếm, có nguy cơ mai một;
Đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư trang thiết bị chuyên dụng (sân khấu, nhạc cụ, phòng hòa âm, không gian sáng tác…), không thể thay thế bằng thiết bị dạy học thông thường;
Cơ chế kiểm định riêng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng và xếp hạng phù hợp với đặc thù đào tạo nghệ thuật (đánh giá qua công diễn, chương trình nghệ thuật quốc gia… thay cho kết quả thi tốt nghiệp chuẩn hóa).

Ảnh minh họa: Website Học viện Múa Việt Nam.
Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương đã đưa ra những kiến nghị đề xuất cụ thể theo từng điểm, khoản, điều đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Đầu tiên, với mô hình, trình độ đào tạo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng nghệ thuật). Thầy Phương, kiến nghị/đề xuất sửa đổi/bổ sung Điều 3. Giải thích từ ngữ:
Bổ sung khái niệm: "Đào tạo năng khiếu nghệ thuật chuyên sâu" là hình thức đào tạo đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, dành cho người học có năng khiếu đặc biệt, được tổ chức từ các cấp độ thấp hơn trình độ trung cấp thông thường, nhằm hình thành và phát triển các kỹ năng, kỹ xảo, tư duy nghệ thuật chuyên nghiệp".
Với lý do, khẳng định sự tồn tại và tính hợp pháp của các chương trình đào tạo năng khiếu chuyên sâu, thường bắt đầu từ bậc tiểu học/trung học cơ sở là nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp nghệ thuật. Điều này giải quyết vấn đề pháp lý cho các trường nghệ thuật hiện đang đào tạo các lớp năng khiếu từ sớm mà chưa có định danh rõ ràng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Sửa đổi/Bổ sung Khoản 1, Điều 5. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp như sau:
Thêm điểm e): "e) Cơ sở giáo dục đại học đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học trong các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo quy định của Luật Giáo dục đại học." (hoặc sửa đổi điểm c hiện có để nhấn mạnh đặc thù này).
Nhấn mạnh vai trò và mô hình đào tạo đa cấp của các trường đại học nghệ thuật, giúp các trường đại học nghệ thuật không chỉ được phép mà còn được khuyến khích duy trì các bậc đào tạo thấp hơn để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính liên thông chặt chẽ từ năng khiếu đến bậc cao nhất. Giải quyết vấn đề khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tuyển và tính liên tục trong đào tạo nghệ thuật.
Tiếp đó, với vấn đề tuyển sinh và đào tạo (đặc thù nghệ thuật), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương đề xuất sửa đổi/bổ sung Khoản 2, Điều 12. Tuyển sinh:
Bổ sung thêm điểm: "b) Đối với các ngành, nghề đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xây dựng phương án tuyển sinh đặc thù, ưu tiên đánh giá năng khiếu, kỹ năng thực hành…"
Đảm bảo các trường nghệ thuật có thể tuyển chọn đúng người có năng khiếu, tháo gỡ vấn đề khó khăn trong việc tuyển sinh nguồn học viên tài năng cho các ngành nghệ thuật đặc thù.
Sửa đổi/Bổ sung Điều 13. Tổ chức đào tạo:
Bổ sung Khoản 4: "4. Đối với các ngành, nghề đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật, chương trình đào tạo phải bảo đảm tỷ lệ thực hành, biểu diễn, sáng tác chiếm tối thiểu (ví dụ: 70%) tổng thời lượng chương trình. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xây dựng quy chế đào tạo linh hoạt, cho phép hình thức giảng dạy cá biệt hóa (một thầy một trò, nhóm nhỏ) phù hợp với đặc điểm của từng chuyên ngành."
Công nhận và luật hóa phương pháp đào tạo đặc thù của nghệ thuật, nơi thực hành là cốt lõi. Giải quyết vấn đề khó khăn về tính pháp lý và nguồn lực cho các phương pháp đào tạo này.
Sửa đổi/Bổ sung Điều 14. Đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng, chứng chỉ:
Bổ sung Khoản 3: "3. Đối với các ngành, nghề đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật, việc đánh giá kết quả học tập phải kết hợp đánh giá lý thuyết với đánh giá năng lực thực hành, biểu diễn, sáng tác sản phẩm nghệ thuật…thông qua các kỳ thi chuyên môn, thi cuối khóa, thi tốt nghiệp, hoặc các buổi biểu diễn công khai được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn."
Đảm bảo đánh giá đúng năng lực thực chất của người học nghệ thuật, vốn thể hiện qua sản phẩm và khả năng thực hành. Tháo gỡ vướng mắc đánh giá không phù hợp với đặc thù ngành.
Ngoài ra, với vấn đề văn bằng và liên thông, Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kiến nghị/đề xuất sửa đổi/bổ sung Khoản 1, Điều 18. Công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy:
Bổ sung điểm b) vào Khoản 1: "b) Kết quả học tập và năng lực nghề nghiệp đã tích lũy trong lĩnh vực nghệ thuật có thể bao gồm thành tựu nghệ thuật, giải thưởng quốc gia và quốc tế, danh hiệu nghệ sĩ, bằng khen và chứng nhận của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp uy tín, kinh nghiệm làm việc thực tế trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, được quy đổi thành tín chỉ hoặc xét miễn một phần chương trình học khi liên thông hoặc theo học các chương trình đào tạo khác tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp."
Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có tài năng và kinh nghiệm thực tiễn được công nhận, khuyến khích học tập suốt đời và liên thông. Giải quyết vấn đề "bằng cấp hóa" trong khi bỏ qua năng lực thực chất.
Sửa đổi/Bổ sung Điều 21. Liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ khác của hệ thống giáo dục quốc dân:
Bổ sung Khoản 3: "3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về việc liên thông giữa các trình độ đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả việc liên thông từ các chương trình đào tạo năng khiếu chuyên sâu, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn hoặc kinh nghiệm thực tiễn được công nhận theo Điều 18 của Luật này."
Đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với con đường phát triển nghệ thuật, tạo điều kiện cho người học có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các trình độ và hình thức đào tạo.