'Trường học' giữa đại ngàn: (Kỳ 1) Những 'thầy cô giáo' mang sắc phục kiểm lâm

Cúc Phương là Vườn quốc gia (VQG) đầu tiên của Việt Nam, cũng thuộc hàng những khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập sớm trên thế giới. Từ khi thành lập đến nay, VQG Cúc Phương luôn kiên định với ba trụ cột được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của Vườn, gồm: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; Nghiên cứu khoa học gắn với cứu hộ, bảo tồn có sự hợp tác quốc tế và giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho xã hội về thiên nhiên. Trong đó, công tác giáo dục môi trường được xác định là 'xương sống' góp phần quan trọng để tạo nên một 'hệ sinh thái bảo tồn' bền vững.

Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức thả cá thể gà lôi trong chương trình Tour "về nhà".

Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức thả cá thể gà lôi trong chương trình Tour "về nhà".

Người truyền cảm hứng

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thái - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, "người hùng" bảo tồn loài Tê tê khi anh vừa mới nhận giải thưởng Wayfinder của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ.

Tiếp chúng tôi, vẫn lối nói chuyện trầm ngâm, chậm rãi của những người làm khoa học, Thái kể, anh sinh ra và lớn lên ở vùng đệm của Cúc Phương, có mẹ là cán bộ của Vườn quốc gia. Ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Thái mang trong mình một tình yêu lớn với thiên nhiên, với cánh rừng Cúc Phương đại ngàn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, như một "truyền thống phi văn bản", anh Thái trở thành một cán bộ bảo tồn trong "cánh rừng tuổi thơ". Với ý chí và lòng tự tôn, sau khi hoàn thành học bổng Thạc sỹ và các khóa đào tạo ở nước ngoài, anh Thái quyết tâm thành lập Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW).

Sau gần 20 năm nỗ lực phi thường, với sự ủng hộ, phối hợp của VQG Cúc Phương thông qua Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, anh Thái và các cộng sự đã tạo dựng được sự nghiệp đáng tự hào.

Từ Cúc Phương, SVW được phép phối hợp, cộng tác với nhiều Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước. Vượt lên những con số biết nói về kết quả trong nghiên cứu, cứu hộ, chăm sóc, nhận nuôi và tái thả hàng nghìn cá thể động vật hoang dã, SVW đã và đang góp phần thay đổi từng ngày nhận thức của cộng đồng xã hội về động vật hoang dã nói riêng, về thiên nhiên nói chung.

Anh Nguyễn Văn Thái dành nhiều thời gian chăm sóc cho loài Tê tê.

Tự hào hơn, anh Thái đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như Golder Man, Wayfinder… Với những giải thưởng này anh Thái được mệnh danh là "Người hùng" giải cứu loài thú mang áo giáp tê tê. Nhưng bản thân anh chỉ hy vọng "giải thưởng này sẽ là động lực, truyền cảm hứng cho không chỉ riêng cá nhân tôi mà còn cho nhiều người Việt Nam khác cùng có nhiều hành động hơn nữa để góp phần bảo vệ "ngôi nhà chung" đa dạng sinh học. Và trên hết, tôi mong muốn ai cũng có thể trở thành "người hùng" bảo vệ động vật hoang dã bằng sự hiểu biết và trách nhiệm với sự sống của các loài động vật trên trái đất này".

Cũng bởi mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng về tình yêu thiên nhiên, Nguyễn Văn Thái đã quyết định hiến toàn bộ tiền thưởng cho SVW để tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Từ đó góp phần mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân cùng tham gia đóng góp quỹ để bảo vệ sự bình an cho những khu rừng.

Tạo nên "tấm lá chắn" vùng đệm

Nhắc đến công tác giáo dục môi trường ở "ngôi trường lớn" giữa đại ngàn Cúc Phương phải kể tới đầu tiên là chương trình hoạt động của Câu lạc bộ Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn Cúc Phương.

Anh Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, VQG Cúc Phương, một trong những thành viên của CLB chia sẻ: Cách đây hơn 20 năm, với sự hỗ trợ của tổ chức FFI, rồi ENV Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thành lập Câu lạc bộ Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn Cúc Phương.

Thành viên trong CLB là các "thầy cô giáo" mặc trang phục kiểm lâm. Hằng ngày, không quản nắng mưa, khó khăn, những người kiểm lâm lặn lội đến với hàng nghìn em nhỏ, nhiều thế hệ, ở khắp các bản làng của 15 xã vùng đệm quanh Vườn.

Họ miệt mài mang những bài giảng sinh động, trực quan... gieo vào tâm hồn của các em một tình yêu với rừng, với thiên nhiên. Nhiều câu chuyện cảm động đã viết nên từ đây, để rồi các em nhỏ ấy, nay đã trở thành những kiểm lâm viên, hay kỹ sư, chuyên gia bảo tồn... chính là hình ảnh tuyệt vời về thay đổi nhận thức của cộng đồng vùng đệm.

Những đứa trẻ vùng đệm của rừng nay đã tiếp bước cha anh trở thành những chiến sỹ kiểm lâm, dành cả thanh xuân để gác sự bình yên cho "ngôi nhà chung" như Đinh Văn Hiêm, trạm kiểm lâm số 1.

Nói chuyện với chúng tôi, Hiêm xúc động: "Lúc còn học cấp 1, cấp 2, chúng em được các thầy, cô trong Câu lạc bộ nâng cao nhận thức bảo tồn Cúc Phương đến tận trường giảng bài, rồi được đi tham quan rừng. Từ đó, em chỉ có một mơ ước duy nhất là lớn lên được khoác trên mình màu áo xanh của chiến sỹ kiểm lâm".

Qua câu chuyện của Hiêm cho chúng tôi hiểu rằng, những bài giảng nâng cao nhận thức bảo tồn của các thế hệ "thầy cô" mang trang phục kiểm lâm ngày ấy đã truyền cho Hiêm và rất nhiều bạn trẻ ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương này tình yêu thiên nhiên trong trẻo. Họ lớn lên như cây rừng nhưng trưởng thành trong nhận thức. Hiện nay, nhiều bạn trẻ như Hiêm, như Thái... đã quay trở lại nối tiếp sứ mệnh gìn giữ cánh rừng già thân thương này.

Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình tour "về nhà" tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Bên cạnh sức mạnh của các bài giảng, thuyết trình mà các "thầy cô giáo" mang sắc phục kiểm lâm truyền cho các thế hệ trẻ vùng đệm, các Chương trình Cứu hộ của Cúc Phương, hàng chục năm qua cũng luôn là địa chỉ uy tín thu hút sự tham gia của các thế hệ sinh viên, học sinh phổ thông ở trong và ngoài nước, thông qua các trại hè hoặc chương trình tình nguyện.

Tại đây, dưới sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ khoa học, các em đã được thực tế hóa một cách sinh động nhất các kiến thức, kỹ năng về thiên nhiên cũng như quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã.

Đó là những trải nghiệm quý báu, hình thành trong chính những người trẻ tình yêu thiên nhiên một cách tự thân. Chính họ khi quay trở về với giảng đường hay đời sống, trở thành những sứ giả bảo tồn, nối dài thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường đến muôn nơi.

Nguyễn Thơm - Nguyễn Trường

(còn nữa)

Kỳ 2: Lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên nhiên

Kỳ 3: Xây dựng "hệ sinh thái bảo tồn" để phát triển du lịch

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-truong-hoc-giua-dai-ngan-ky-1-nhung-thay-co-giao-mang-sac/d20220611171039920.htm