Truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm

Sáng nay (1/11), tại Nhà Văn hóa thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Phan Hiệp tổ chức 'Lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm'.

Lớp học được tổ chức trong 4 ngày (1-4/11). Trong 2 ngày đầu, 35 học viên người Chăm xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình tham gia học nghề được các nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật làm gốm truyền thống, thời gian còn lại các học viên sẽ tham quan, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc – một trong những làng gốm cổ nhất của người Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Các học viên được trang bị công cụ, nguyên liệu để học nghề. Ảnh: T. Tuyên

Các học viên được trang bị công cụ, nguyên liệu để học nghề. Ảnh: T. Tuyên

Trong thời gian học, các học viên được truyền dạy cả về lý thuyết lẫn thực hành liên quan đến quy trình, kỹ thuật làm gốm truyền thống của ông bà lưu truyền lại.

Làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) còn 43 hộ với 46 người dân đang làm gốm thường xuyên. Kỹ thuật làm gốm của người Chăm ở đây được truyền từ đời này sang đời khác theo kiểu “mẹ truyền con nối” và đến nay vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn.

Lớp học thu hút khá đông bà con Chăm đến tìm hiểu. Ảnh: T. Tuyên

Lớp học thu hút khá đông bà con Chăm đến tìm hiểu. Ảnh: T. Tuyên

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022.

Lớp học nhằm cụ thể hóa Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Lễ khai mạc Lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Ảnh: T. Tuyên

Lễ khai mạc Lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Ảnh: T. Tuyên

Ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án được coi là giải pháp tích cực giúp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Chăm trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời và có hiệu quả.

"Nhà nước đứng ra tổ chức lớp này để bà con người Chăm thấy được cái giá trị, ý nghĩa của nghề gốm truyền thống của mình, từ đó đánh thức cái ý thức, trách nhiệm của cộng đồng người Chăm trong việc bảo tồn nghề gốm. Bởi vì không ai khác ngoài chính cộng đồng của mình tự bảo vệ lấy nghề của mình", ông Phong nói.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/truyen-day-ky-thuat-lam-gom-truyen-thong-cua-nguoi-cham-post1056462.vov