TS-BS Trần Chí Cường: 'Kể cả ăn cơm tù cũng phải làm, thử vận mệnh một cái'
Đúng với khí chất của người dân đất bưng biền Đồng Tháp, TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ trò chuyện với phóng viên rất chất phác, thật thà, nhưng thẳng thắn và đầy táo bạo; đặc biệt anh rất 'máu' khi nói về bệnh đột quỵ khiến người đối diện càng thấm thía được quyết tâm mở bệnh viện chuyên trị đột quỵ của anh.
Năm 2016, TS-BS Trần Chí Cường đang là trưởng đơn vị đào tạo can thiệp nội mạch thần kinh - đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - một bệnh viện lớn ở TP.HCM, anh quyết định “bỏ phố về quê” làm lại từ đầu, mở Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ chuyên trị đột quỵ với phương châm “bệnh nhân không có tiền cũng được điều trị”. Một quyết định khiến không ít người ngạc nhiên, và cảm thấy lo lắng cho anh.

TS-BS Trần Chí Cường thực hiện một ca can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ
Điều đó đối với anh không phải là cái “ngông” hay sự “gàn dở” mà nó đã nằm trong dự đoán, cùng sự quyết tâm của một bác sĩ trẻ vừa bước sang tuổi 40 khi đó đã giúp anh có được thành công vượt bậc. Giờ đây, Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ với quy mô 500 giường đã quá tải, anh phải mở rộng thêm giường bệnh, xây dựng mới Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Đà Nẵng, và dự kiến xây dựng thêm bệnh viện đột quỵ ở TP.HCM, Nha Trang…
- Giờ ngẫm lại, anh muốn nói điều gì về quyết định của mình ở thời điểm 10 năm trước?
- TS-BS Trần Chí Cường: Thực ra cách đây 10 năm bệnh đột quỵ đã được dự đoán sẽ gia tăng, và ngày càng nghiêm trọng. Do đó tôi đã “dự đoán” khả năng nhu cầu cấp cứu can thiệp đột quỵ sẽ là vấn đề cấp bách trong ngành y tế Việt Nam.
Ngẫm lại tôi cũng thấy mình rất “gan dạ” khi dám dấn thân, và vay mượn tiền để làm mô hình bệnh viện đột quỵ đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cũng là mô hình đầu tiên ở Đông Nam Á. Dù rất nhiều áp lực trong giai đoạn đầu, nhưng cái quan trọng nhất để S.I.S thành công là đã mang lại sự sống cho bà con vùng sâu vùng xa, bởi vì họ có thể tiếp cận được các phương pháp điều trị hiện đại trong khoảng thời gian vàng. Việc nhân rộng mô hình ra các nơi khác như TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… cũng vì mục tiêu đến gần hơn với bệnh nhân, và giảm quá tải cho các khoa đột quỵ hiện tại ở những nơi này.

BS Cường đang thăm khám cho một bệnh nhân
-Khi đang có công việc làm tốt, phù hợp với chuyên môn tại một bệnh viện lớn, anh lại “bỏ phố về quê” mở bệnh viện đột quỵ. Trong khi thời điểm ấy, các bệnh viện chỉ có đơn vị đột quỵ, hoặc lớn hơn là chuyên khoa đột quỵ, còn bệnh viện chuyên đột quỵ thì chưa ai nghĩ đến, anh có thấy mình liều hay "gàn dở "không?
- TS-BS Trần Chí Cường: Tôi hoàn toàn không ngông và gàn dở, khi đã mạnh dạn “bước ra” khỏi những sự sợ hãi về rủi ro tài chính. Tôi muốn tạo nên một sự khác biệt lớn trong suy nghĩ và hành động, đó là “bệnh đột quỵ không phải là dấu chấm hết và mặc kệ”, sống chết không tùy vào bệnh trạng, dù chuyên môn và lý thuyết là có thể thời gian vàng. Quan trọng vẫn là công nghệ cao, nhân sự giỏi đồng bộ, cơ chế chính sách bệnh viện phù hợp, có thể sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
-Nhưng quá trình hiện thực hóa ý tưởng đó chắc hẳn không hề đơn giản, thưa anh?
- TS-BS Trần Chí Cường: Có thể nói là quá khó khăn, nhất là về tài chính. Tuy nhiên sau khi ngồi cùng các anh chị chuyên gia phân tích tài chính thì đây là một dự án rất khả thi, có thể “sống được”, và với mục tiêu nhân văn là cứu người, nên mọi người đã chung tay giúp đỡ.
- Vậy khi bắt tay vào xây dựng bệnh viện, đâu là khoảnh khắc khó khăn nhất khiến anh tự hỏi, liệu mình có đi đúng hướng?

Bác sĩ Trần Chí Cường hội chẩn một ca lâm sàng khó cùng các bác sĩ
- TS-BS Trần Chí Cường: Thực sự khó khăn lớn nhất lúc khởi nghiệp là vốn đầu tư ban đầu quá lớn. Tổng vốn đầu tư lúc đó là hơn 500 tỉ đồng, muốn được ngân hàng cho vay phải có đối ứng khoảng 30% bao gồm tiền mặt, và tài sản cố định thế chấp để vay. Tuy nhiên, cái vốn lớn nhất khi làm bệnh viện không phải là tiền mà là chuyên môn và nhân sự.
- Anh có nghĩ mình sẽ có được thành công như ngày hôm nay?
- TS-BS Trần Chí Cường: Lúc mới khởi đầu tôi vẫn tin khá chắc bệnh viện sẽ có bệnh nhân đông, nhưng khả năng “sống” được, trang trải hết nợ nần lãi vay là câu hỏi lớn đáng lo ngại lúc đó. Tuy nhiên với niềm đam mê mãnh liệt, vì bệnh nhân, nên tôi quyết tâm, kể cả “ăn cơm tù cũng phải làm thử vận mệnh một cái…”.
- Chỉ vì bệnh nhân mà có “ăn cơm tù cũng làm thử vận mệnh một cái”, không biết lúc đó, những người thân, hay các chuyên gia, nhà khoa học có lời khuyên nào với anh?
- TS-BS Trần Chí Cường: Trước khi xây dựng bệnh viện chuyên về đột quỵ, tôi cũng đã có những ý tưởng, và cả những dự định của mình. Ý tưởng, suy nghĩ, trăn trở nhiều từ khi được tận mắt thấy, và đến học tại Trung tâm Đột quỵ Erlanger - Tenneessee (Mỹ) từ năm 2009. Từ phía chuyên môn cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hoàn vốn, nhất là dưới góc nhìn tài chính ngân hàng, bởi S.I.S lúc đó là công ty khởi nghiệp. Tay trắng đi vay. Gia đình cha mẹ hai bên rất lo lắng, nhưng tôn trọng quyết định của con mình, và dốc hết tài sản để hỗ trợ đối ứng vay vốn.

TS-BS Trần Chí Cường báo cáo tại hội nghị đào tạo xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ
- Gia đình lo lắng, nhất là về khả năng hoàn vốn, nhưng sau khi mở bệnh viện anh lại đưa ra một quyết định rất sốc “bệnh nhân đột quỵ đến với S.I.S không có tiền vẫn được chữa trị, tiền bệnh viện sẽ lo”?
- TS-BS Trần Chí Cường: Bệnh đột quỵ vốn là một bệnh lý có nguy cơ tử vong và tàn phế rất cao, ai cũng biết. Vấn đề điều trị lại phụ thuộc rất nhiều vào thuốc men đắt tiền: thuốc tiêu sợi huyết (giá mỗi lọ hơn 10 triệu đồng), các dụng cụ lấy huyết khối (stent, ống thông...) lại càng đắt đỏ hơn, có thể lên đến cả trăm triệu đồng.
Và quan trọng hơn nữa, kết quả điều trị lại phụ thuộc rất nhiều vào thời gian vàng. Do đó, nếu không điều trị sớm trong vài giờ đầu, việc điều trị ngày hôm sau (chờ tiền) có thể trở thành vô nghĩa. Do đó với cam kết xây bệnh viện cứu người, ai đến cũng phải cứu, bất kể giàu nghèo. Nếu chỉ chữa cho người có tiền thì không thể, cũng như không nên đầu tư vào bệnh viện đột quỵ.
- Số tiền điều trị lớn như thế, anh lấy đâu ra để chữa trị cho bệnh nhân nghèo bị đột quỵ mà không có tiền?
- TS-BS Trần Chí Cường: Tại S.I.S không chỉ cá nhân mình mà tất cả các nhà đầu tư góp vốn đều cùng chung chí hướng, chữa cho mọi người trong tình huống thập tử nhất sinh, tiền nong tính sau. Đây cũng là một vấn đề khá lớn với các nhà đầu tư tài chính vì nỗi sợ... bệnh nhân nghèo nhiều quá.

TS-BS Trần Chí Cường (thứ 4 từ trái sang) cùng các đại biểu dự Hội nghị Can thiệp thần kinh thế giới WFITN 2024 lần thứ 17 tại thành phố New York (Mỹ)
Rất may, bệnh viện được Bộ Nội vụ cho phép thành lập “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực ĐBSCL”, có pháp nhân và được Bộ Nội vụ quản lý, tài chính công khai minh bạch qua tài khoản ngân hàng. Quỹ từ thiện cũng được rất nhiều bệnh nhân hỗ trợ, nghe có vẻ lạ nhưng thực tế có rất nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã cho tiền vào quỹ giúp bệnh nghèo. Cán bộ công nhân viên của bệnh viện cũng giúp đỡ bệnh nhân thường xuyên. Ban sáng lập quỹ nộp “tiền tươi thóc thật” vào quỹ để chứng minh việc làm từ thiện là thực tâm của mình, chứ không phải mượn tên để quyên góp. Điều này cần nói rõ, vì muốn lập quỹ từ thiện danh chánh ngôn thuận đòi hỏi những người sáng lập phải có khả năng.
Đến nay quỹ đã hỗ trợ được hơn 1.000 bệnh nhân nghèo bị đột quỵ với số tiền trên 16 tỉ đồng. Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn tất cả các thành viên ban sáng lập quỹ, các nhà hảo tâm đã đóng góp.
- Nếu nhìn về 5 - 10 năm tới, anh mơ ước điều gì đối với các cơ sở điều trị đột quỵ và bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam?
- TS-BS Trần Chí Cường: Các bệnh viện cần phối hợp với nhau tốt hơn để bệnh nhân đột quỵ được điều trị tốt nhất. Kể cả trên thế giới, không phải bệnh viện nào cũng treo bảng chữa đột quỵ, nó không phải là một chuyên khoa để dễ dàng mang lại hiệu quả thực cho bệnh nhân (chuyển nhanh đến trung tâm đột quỵ đủ điều trị tốt hơn là “ôm bệnh”). Các bệnh viện cần tăng cường đào tạo, xây dựng mở rộng mạng lưới điều trị đột quỵ.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn thành công với những dự định trong tương lai!