TTC AgriS (SBT): Muốn mở viện nghiên cứu, nâng gấp đôi công suất nhà máy đường tại Gia Lai
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT) hiện đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai từ mức 18.500 ha hiện nay lên 25.500 ha vào năm 2030; đồng thời, nâng công suất nhà máy chế biến lên gần gấp đôi, đạt 15.000 tấn mía/ngày.

Buổi làm việc giữa đại diện TTC AgriS với UBND tỉnh Gia Lai.
UBND tỉnh Gia Lai vừa qua đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT - sàn HoSE) nhằm trao đổi về định hướng đầu tư, phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Thái Văn Chuyện - Tổng Giám đốc TTC AgriS cho biết, công ty đang duy trì 18.500 ha vùng nguyên liệu mía, nhà máy chế biến với công suất đạt 8.000 tấn mía/ngày. Công ty đặt mục tiêu mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía lên 25.500 ha vào năm 2030, nâng công suất nhà máy lên 15.000 tấn mía/ngày và phát triển thêm khoảng 4.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.
TTC AgriS hiện có kế hoạch triển khai mô hình Demofarm nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chương trình “nông trường kiểu mẫu” với cây mía, đồng thời tìm kiếm các khu vực, vùng trồng chiến lược cho cây ăn quả theo định hướng công nghệ cao.
Để thực hiện chiến lược trên, ông Thái Văn Chuyện đề xuất UBND tỉnh Gia Lai hỗ trợ giới thiệu quỹ đất phù hợp cho TTC AgriS cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác (doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân) có quỹ đất lớn để cùng tham gia vào việc triển khai chương trình Demofarm với cây mía, cũng như nhân rộng các loại cây trồng có giá trị cao khác tại địa phương.
Đồng thời, Tổng giám đốc TTC AgriS cũng mong muốn được UBND tỉnh Gia Lai hỗ trợ xây dựng Viện nghiên cứu nông nghiệp tại Gia Lai, nghiên cứu giống cây trồng chủ lực và ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Về các đề xuất trên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn khẳng định địa phương hoàn toàn đồng tình với các kiến nghị của TTC AgriS và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để việc triển khai các dự án đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị TTC AgriS phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp của tỉnh Gia Lai trong vòng 6 tháng tới, góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát triển vùng nguyên liệu lớn cho các cây trồng hiệu quả, gắn kết với chế biến sâu và bảo vệ môi trường.
TTC AgriS đang là doanh nghiệp lớn hàng đầu ngành mía đường Việt Nam. Theo báo cáo thường niên năm 2024 của TTC AgriS, công ty này đang chiếm 46% thị phần đường tại Việt Nam với hàng chục sản phẩm đường, cạnh đường, và sau đường.
So với các doanh nghiệp trong ngành, TTC AgriS có thế mạnh ở việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao như đường organic, đường lỏng công nghiệp và là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu do có quy mô sản xuất đường RE cao nhất ngành.
TTC AgriS đang phát triển hệ sinh thái chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm 91.000 ha vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Úc và 200.000 ha hợp tác tại Indonesia. Danh mục sản phẩm của AgriS đa dạng với gần 200 sản phẩm, chủ yếu từ các cây trồng như mía đường, dừa, lúa, chuối và xuất khẩu đến 69 quốc gia.
Hiện nhiều công ty thành viên của TTC AgriS đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, điển hình là Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) sản xuất đường và các sản phẩm sau đường; Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu kinh doanh đường và các sản phầm từ mía; Công ty cổ phần Điện AgriS Gia Lai sản xuất, truyền tải và phân phối điện.