TỪ BỎ THUỐC LÁ ĐỂ CỨU CHÍNH MÌNH
'Tuần lễ quốc gia không thuốc lá' trên cả nước sẽ được phát động vào cuối tháng 5 này với mục đích lớn nhất, để mọi người nhận thức được những tác hại khủng khiếp của thuốc lá; cùng nhau xây dựng một môi trường trong sạch, không khói thuốc.
Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những khẩu hiệu, như “No smoking” (không hút thuốc lá), “Vì một môi trường không khói thuốc”, “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”… có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, để những khẩu hiệu ấy thực sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động thực sự của mọi người vẫn còn là mục tiêu khó khăn. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2016, hiện Việt Nam có 15,6 triệu người hút thuốc lá. Trung bình những năm gần đây, người Việt Nam chi 31.000 tỉ đồng/năm để mua thuốc lá. Xét về kinh tế, đây là con số không hề nhỏ.
Ảnh minh họa.
Không chỉ mất đi về số tiền nhìn thấy, cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính là 23.000 tỉ đồng/năm. Thuốc lá liên quan tới nhiều nhóm bệnh tật. Theo phân tích của các nhà khoa học, trong thuốc lá có đến 7000 độc tố. Số chất độc này còn kinh khủng hơn cả đại dịch AIDS và tai nạn giao thông, vì nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của 40.000 người Việt. Không chỉ người hút bị ảnh hưởng mà những người xung quanh, dù không hút nhưng hoàn toàn bị ảnh hưởng như người hút bởi môi trường khói thuốc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.
Thuốc lá có rất nhiều tác hại nhưng tại sao vẫn có nhiều người sử dụng? Điều này được lý giải đó là, các chất độc của thuốc lá âm thầm tấn công cơ thể con người và cơ chế gây bệnh từ từ chứ không gây ra cái chết đột ngột nên hầu hết người hút thuốc chủ quan, và hơn thế “họ chưa thấy sợ”. Bên cạnh đó, trong thuốc lá có thành phần chất gây nghiện khiến người hút không dễ gì từ bỏ ngay được. Một số hút thuốc do muốn thể hiện cá tính…
Để mọi người hiểu được tác hại và từ bỏ nó đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Từ mọi kênh thông tin, cần cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản nhất để tránh xa thuốc lá. Gia đình và nhà trường là nền tảng trong giáo dục con em mình suốt quá trình trưởng thành để có kiến thức, bản lĩnh và nhân cách giúp các em không “vướng” vào thuốc lá. Nếu người lớn thực sự gương mẫu, không hút thuốc sẽ là tấm gương tốt để con em mình noi theo. Mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần có những chế tài nhất định để nói không với khói thuốc. Trên thực tế, rất nhiều cơ quan, đơn vị đã có quy định nói không với thuốc lá, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng, các quy định đó cần phải mạnh hơn nữa để mọi người đều bị ràng buộc, thực sự không muốn và không dám hút thuốc.
Cùng với nhận thức của người dân thì yếu tố chế tài phải được duy trì nghiêm và hiệu quả. Nhiều nước đã thành công với chế tài xử phạt, thậm chí phạt nặng người hút thuốc ở nơi công cộng, công sở, bệnh viện, trường học… Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được điều này khi các cơ quan chức năng quyết tâm với sự giám sát của cộng đồng để thực hiện. Đánh thuế thật nặng đối với mặt hàng thuốc lá cũng là một giải pháp mà nhiều nước đang thực hiện. Việt Nam nằm trong số các quốc gia đang phát triển có thuế sản xuất và tiêu thụ thuốc lá không cao. Đây cũng là một nguyên nhân khiến mọi người dân dễ dàng tiếp cận được thuốc lá.
Nhìn trên tất cả các bình diện, thuốc lá không có bất cứ lợi ích nào đối với con người. Người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hút thuốc và bị nhiễm khói thuốc, thiệt hại từ kinh tế đến sức khỏe. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá không bao giờ là muộn.
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tu-bo-thuoc-la-de-cuu-chinh-minh-507218