Từ 'chủ trương đầu tư' đến 235 tỷ USD ách tắc

Quyền tự do kinh doanh được hiến định trong Hiến pháp 2013 nhưng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư đang cản trở quyền tự do này.

235 tỷ USD bị treo trên toàn quốc

Có một cảm giác xót xa và bất lực dâng trào khi đọc thông tin sau: có 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng (235 tỷ USD) và hơn 300.000 ha đất đang ách tắc trên toàn quốc.

Đến nay chưa có đủ thông tin, có bao nhiêu trong số đó là dự án đầu tư công, FDI hay đầu tư tư nhân, nhưng với nỗ lực thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ của Chính phủ trong mấy năm gần đây, có vẻ như các dự án đầu tư tư nhân đang chiếm phần lớn trong số 2.200 dự án ách tắc nêu trên.

Nhưng tin tốt là Chính phủ đã hoàn thành rà soát các dự án này và Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nêu trên, như ông phát biểu tại Quốc hội.

Có lẽ nhiều lý do hay rào cản làm ách tắc các dự án trên, nhưng chắc chắn trong số đó có một rào cản lớn có tên gọi là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư.

Nhiều năm nay, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập, đi ngược lại tinh thần tự do kinh doanh và gây ra những rào cản kinh doanh không đáng có.

Trước hết, cần xem lại lịch sử của thủ tục này.

Trước năm 2005, hệ thống pháp luật đầu tư ở Việt Nam phân biệt rõ ràng giữa đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước. Trong khi đầu tư trong nước không yêu cầu thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thì FDI lại chịu sự quản lý chặt chẽ theo dự án, các dự án FDI phải được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính mang nặng tính "xin-cho", không có mục tiêu quản lý rõ ràng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính mang nặng tính "xin-cho", không có mục tiêu quản lý rõ ràng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Đến năm 2005, Việt Nam xây dựng Luật Đầu tư chung nhằm chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư lẽ ra phải được gỡ bỏ đi thì lại được mở rộng áp dụng cho cả các dự án đầu tư trong nước cùng với dự án FDI.

Nhưng đối với đầu tư trong nước, thủ tục này từ không đến có, tạo gánh nặng hành chính không cần thiết, gây tốn kém về chi phí và thời gian.

Trong suốt 20 năm qua, quy định này nói riêng và cả Luật Đầu tư nói chung đã được kiến nghị gỡ bỏ nhiều lần nhưng không thành công, thể hiện quản lý nặng về kiểm soát, hạn chế hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh trong nước.

Hệ quả tiêu cực của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Chấp thuận chủ trương đầu tư được định nghĩa là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án, nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý và hiệu quả của thủ tục này:

Thứ nhất, về mục tiêu dự án: Tại sao nhà nước phải chấp thuận mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, khi mục tiêu chính của họ là tìm kiếm và tối đa hóa lợi nhuận?

Thứ hai, về địa điểm dự án: Yêu cầu này dường như chỉ áp dụng cho các dự án xây dựng, vốn đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Các dự án không xây dựng thì không có địa điểm thực hiện cụ thể.

Thứ ba, về quy mô dự án: Việc nhà nước can thiệp vào quy mô dự án (vốn, công suất, năng lực sản xuất, số lượng lao động) là không phù hợp với cơ chế thị trường.

Thứ tư, về tiến độ và thời hạn thực hiện dự án: Đây là những khái niệm mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn và có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Quy trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư bộc lộ nhiều bất cập thông qua các yêu cầu về hồ sơ:

Văn bản đề nghị thực hiện dự án, kèm cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu không được chấp thuận: Điều này cho thấy rõ ràng tính chất "xin-cho" của thủ tục, cơ quan nhà nước có quyền chấp thuận hoặc từ chối mà nhà đầu tư phải chấp nhận mọi rủi ro.

Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

Tài liệu chứng minh năng lực tài chính: Yêu cầu này thường bao gồm báo cáo tài chính hai năm gần nhất, cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ hoặc tổ chức tài chính, bảo lãnh tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp mới thành lập dưới hai năm tuổi gần như không có cơ hội đầu tư, tạo ra rào cản lớn cho các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Những yêu cầu trên hoàn toàn trái ngược với cơ chế thị trường, nơi các quyết định về sản xuất cái gì, ở đâu, bao nhiêu và như thế nào thuộc về quyền tự chủ của nhà đầu tư, không phải sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.

Chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính mang nặng tính "xin-cho", không có mục tiêu quản lý rõ ràng, gây can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư kinh doanh, tốn kém thời gian và tiền bạc một cách không cần thiết. Nó tạo ra một nút thắt thể chế, cản trở việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả.

Thủ tục này tạo ra rào cản gia nhập thị trường quá cao và tốn kém:

Chỉ những doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất hai năm mới có khả năng đáp ứng yêu cầu về hồ sơ.

Mỗi dự án đầu tư đều phải xin chấp thuận chủ trương, biến nó thành một dạng giấy phép đầu tư với nhiều thủ tục.

Các tiêu chí thẩm định chủ trương đầu tư không rõ ràng, mang tính chủ quan, dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch.

Thời gian chờ đợi kéo dài (ít nhất 7 tuần đối với dự án cấp tỉnh) và đây chỉ là bước khởi đầu, sau đó còn nhiều thủ tục khác.

Yêu cầu ký quỹ, bảo lãnh làm tăng chi phí đầu tư, đặc biệt đối với DNNVV.

Có sự trùng lặp về hồ sơ và nội dung thẩm định với các thủ tục hành chính khác đối với dự án xây dựng.

Nó giới hạn hoạt động kinh doanh trong phạm vi hiểu biết của cơ quan nhà nước, kìm hãm sự đổi mới và sáng tạo.

Cần bãi bỏ thủ tục đầu tư

Báo cáo thẩm tra “một luật sửa bảy luật” của Ủy ban Kinh tế – Tài chính ngày 24-4 cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát để bãi bỏ bớt ngành nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện; nghiên cứu bãi bỏ thủ tục đầu tư (chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư), chỉ giữ lại chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hạn chế gia nhập thị trường.

Đây là một đề xuất hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không thay thế được các công cụ quản lý chuyên ngành khác như đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình hay thủ tục tiếp cận đất đai. Nó chỉ là một lớp rào cản hành chính không cần thiết, gây tổn hại đến môi trường đầu tư kinh doanh và đi ngược lại xu thế cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Bản chất của thủ tục này là "được kinh doanh những gì cơ quan nhà nước cho phép", thay vì "được kinh doanh những gì pháp luật không cấm", và đi ngược lại quyền tự do kinh doanh đã được hiến định trong Hiến pháp 2013.

Trong bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” nhằm cổ vũ cho Nghị quyết 68, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu rất rõ: “Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực đặc thù (an ninh, quốc phòng…); … chuẩn hóa toàn bộ quy trình cấp phép đầu tư theo mô hình điện tử, rút ngắn thời gian công bố kết quả”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định: “Đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật…; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật”.

“Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn...”.

Những tinh thần trên sẽ giúp bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không chỉ giúp “tháo gỡ” 2.200 dự án ách tắc, mà còn khơi thông dòng vốn đầu tư, thúc đẩy tự do kinh doanh và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo của người dân.

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-chu-truong-dau-tu-den-235-ty-usd-ach-tac-2400815.html