Tư duy mới cho phim đặt hàng

Thời gian qua, sự thành công của không ít bộ phim như 'Người phán xử', 'Sống chung với mẹ chồng', tiếp đến là 'Về nhà đi con'… chiếu trên truyền hình và một số phim xuất hiện ngoài rạp được công chúng đón nhận, đã cho thấy những điểm sáng thật sự của nền sản xuất phim ảnh trong nước. Tuy nhiên, cùng với đó vẫn còn không ít trăn trở đối với phim Nhà nước đặt hàng.

Vì sao thiếu vắng?

Mấy năm trở lại đây, vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, trên truyền hình và các rạp đều có chiếu lại các bộ phim liên quan tới chủ đề lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có “Mùi cỏ cháy”, “Sống cùng lịch sử”, “Nhà tiên tri”, “Đường xuyên rừng”, “Thầu Chín ở Xiêm”… Thậm chí, dù rạp tổ chức chiếu miễn phí nhưng cũng thu hút được rất ít người đến xem.

Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), thường thì các dự án làm và phát hành các bộ phim thuộc dòng phim Nhà nước đặt hàng rất khó khăn nên thường phải chiếu phim cũ để lấp chỗ trống. Việc mua phim tư nhân để chiếu dịp này cũng khó khăn, do đó thường là phim mang tính giải trí cao, không phù hợp với nhiệm vụ tuyên truyền. Trong khi đó, việc đầu tư kinh phí từ vốn ngân sách để làm phim rất hãn hữu. Nguồn kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị là 115 tỷ đồng/năm (năm 2018), 147 tỷ đồng (năm 2019), 148 tỷ đồng (năm 2020) và 148 tỷ đồng (năm 2021). Tuy nhiên, không chỉ là eo hẹp về tài chính, mà nguồn kịch bản cũng đang gặp khó khăn. Những năm gần đây, ít người đầu tư làm kịch bản dòng phim này, mà thường lựa chọn làm các kịch bản giải trí để kiếm tiền nhanh hơn, dễ sản xuất hơn.

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc thiếu vắng các bộ phim “chính sử” là do khâu phát hành thiếu khoa học, linh hoạt, không cạnh tranh được với dòng phim thị trường vốn rất sôi động. Trong khi người dân xếp hàng dài mua vé ngoài rạp xem phim “bom tấn”, hoặc ngóng đợi xem các bộ phim về đề tài gia đình trên truyền hình, thì họ lại lạnh nhạt với phim Nhà nước đặt hàng. Năm 2010, phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” (đạo diễn Đào Duy Phúc) có kinh phí hơn 50 tỷ đồng, phải mất 3 năm chờ đợi mới được lên sóng. Năm 2013 phim “Người viết huyền thoại” dù đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 nhưng thất bại về doanh thu. Năm 2014 phim “Sống cùng lịch sử” được chiếu miễn phí nhưng khán giả đến xem vẫn rất ít ỏi. Hay một loạt phim chung cảnh ế ẩm như “Đam mê” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, “Tâm hồn mẹ” của đạo diễn Nhuệ Giang. Rồi phim “Mỹ nhân” của Đinh Thái Thụy với kinh phí đầu tư lên tới 16 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ được 500 triệu đồng.

Cũng có không ít người cho rằng, dòng phim Nhà nước đặt hàng chủ yếu là phim có đề tài lịch sử, phim chiến tranh, vốn kén người xem, không thu hút được giới trẻ đến phòng vé. Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, chia sẻ: “Để người dân quan tâm đến phim, thì bản thân bộ phim ấy phải nói được tiếng nói của họ, dù là phim có định hướng chính trị”.

Cảnh trong phim Cuộc đời của Yến

Cảnh trong phim Cuộc đời của Yến

Đầu tư sao cho hiệu quả?

Điều cốt lõi lúc này là làm sao để phim Nhà nước đặt hàng hấp dẫn, và việc đầu tư thế nào cho hiệu quả. Bởi nhất định phải có phim về chiến tranh hay lịch sử phục vụ các kỳ kỷ niệm, nhưng sản xuất ra mà để cất kho thì thành ra lãng phí. Chúng ta từng có những thước phim về chiến tranh trở thành kinh điển như "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười"… đấy thôi!

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về việc đầu tư cho các dự án, cần phải mở rộng biên độ cho sự sáng tạo, đừng tư duy theo lối an toàn. Nên tài trợ cho những gương mặt mới, những tiếng nói mới, dám dấn thân và có sự sáng tạo.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, quy trình sản xuất phim Nhà nước đầu tư cần phải được đổi mới mạnh mẽ, không để ì trệ, chậm làm bản thảo, chậm sản xuất, xét duyệt kịch bản. Cùng với đó nên khuyến khích các hãng phim tư nhân chung tay vì nền điện ảnh nước nhà, cập nhật công nghệ sản xuất mới.

Thời gian qua, công chúng biết nhiều đến phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Đây thực chất là bộ phim được xã hội hóa, mang lại hiệu quả cao. Đạo diễn Victor Vũ đã thêm một lần khẳng định tên tuổi của mình, khi làm bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với đề tài về gia đình, quê hương, và thắng lớn khi ra rạp. Phim sau đó còn giành nhiều giải thưởng trong đó có giải “Bông sen vàng”. Thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho thấy khi có gợi mở tốt, tư nhân có thể kết hợp làm những bộ phim chính thống có giá trị. Mới đây, bộ phim có tên “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã được bấm máy, là dự án phim đánh dấu sự trở lại của dòng phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất sau một thời gian khá dài vắng bóng. Đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim này là hãng phim của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hong Ngat Film và DV&H Creative). Đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều - tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

TS. Ngô Phương Lan (nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh) cho hay: có thể kết hợp phát triển hài hòa giữa phim chính thống do Nhà nước đặt hàng, có giá trị nghệ thuật và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa. Khuyến khích các hãng phim tư nhân có những kịch bản và dự án làm phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh thì cho rằng, chúng ta đừng ngại thay đổi. Hơn thế, những người duyệt kinh phí cho các phim do Nhà nước đặt hàng cùng người được đặt hàng phải ngồi lại với nhau để bàn thảo, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Việc tìm hiểu lý do vì sao khán giả thờ ơ với dòng phim này cần có những cuộc điều tra nghiêm túc.

Những nước có nền điện ảnh phát triển cũng hướng tới những gương mặt trẻ, tôn trọng tiếng nói mới. Nếu vẫn giữ kiểu tư duy cũ, quanh quẩn với những lối mòn, motip cũ, thì càng ngày chúng ta sẽ càng thiếu vắng những phim Nhà nước đầu tư đạt chất lượng, có giá trị và được công chúng đón nhận.

Thụy Miên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tu-duy-moi-cho-phim-dat-hang-91306.html