Tự hào Trường Sa thiêng liêng (bài 4)

Trong hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, qua câu chuyện với chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân có nói rằng: 'Chúng ta, nhất là các phóng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm góp sức để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu, thể hiện tình yêu biển, đảo thật chuẩn mực'.

Bài 4: Lời gửi gắm giữa trùng khơi

Các thế hệ quân và dân ở Trường Sa luôn kiên cường đối diện với những khó khăn, thử thách bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, xây dựng huyện đảo thêm giàu mạnh. Trong các cuộc trò chuyện, những người sinh sống, công tác nơi “tuyến đầu” đã nhắn gửi nhiều thông điệp ý nghĩa đến đồng bào ở mọi miền Tổ quốc, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt là mong muốn thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực, phù hợp, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Kiên cường giữa trùng khơi

Sau giờ thực hiện nhiệm vụ, Trung sĩ Lê Ngọc Giỏi, chiến sĩ trên đảo Cô Lin lại nhanh chóng bắt tay chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị. Có lẽ nắng, gió, sự khắc nghiệt của thời tiết ở Trường Sa khiến cho làn da của chàng lính trẻ này trở nên đen sạm, khuôn mặt rắn rỏi hơn. Qua cuộc trò chuyện dễ nhận thấy, chiến sĩ Hải quân Lê Ngọc Giỏi rất tự tin, hành động dứt khoát và thường trực nụ cười trên môi.

Trung sĩ Lê Ngọc Giỏi thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Ảnh: Viết Lam

Trung sĩ Lê Ngọc Giỏi thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Ảnh: Viết Lam

Trung sĩ Lê Ngọc Giỏi chia sẻ: “Ngay từ đầu khi tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi đã xác định rõ sẽ đi bất cứ đâu, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được cấp trên giao. Ở Trường Sa tuy xa đất liền, nhưng tôi luôn được chỉ huy đơn vị quan tâm, rèn luyện, đồng đội chia sẻ, gia đình động viên. Tôi cảm thấy rất tự tin, thoải mái trong thực hiện nhiệm vụ và sinh hoạt hằng ngày”. Tôi có hỏi quân nhân trẻ rằng: “Đồng chí có lời nhắn gửi nào với mọi người ở đất liền, nhất là các bạn trẻ?".

Suy nghĩ trong giây lát, Trung sĩ Lê Ngọc Giỏi trả lời: “Chúng tôi ở đây luôn kiên định, vững vàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mọi người ở đất liền hãy yên tâm lao động sản xuất, các bạn trẻ nên chăm chỉ học tập, rèn luyện tốt để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước. Cá nhân tôi, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương sẽ cố gắng tuyên truyền để mọi người hiểu sâu hơn về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhất là về Trường Sa”.

Khi chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khánh Hòa , cán bộ, chiến sĩ đang triển khai công tác huấn luyện. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, những người lính mang quân hàm xanh đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hỗ trợ bà con ngư dân bám biển khai thác hải sản, phát triển kinh tế.

Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa cho biết: “Trong điều kiện đơn vị đóng quân xa đất liền, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng đơn vị đoàn kết thống nhất, rèn luyện để quân nhân nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác và bà con ngư dân phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, cơ sở hậu cần nghề cá ở Trường Sa ngày càng đầy đủ. Tin tưởng rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều ngư dân và tàu cá từ đất liền ra vùng biển Trường Sa đánh bắt hải sản".

Trong hải trình dài thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi có cơ hội gặp rất nhiều ngư dân, chủ tàu cá bám vùng biển Trường Sa đánh bắt hải sản. Trong số đó, có những chủ tàu cá có hàng chục năm kinh nghiệm hành nghề trên vùng biển xa của Tổ quốc. Hơn ai hết, ngư dân là những người chứng kiến, hiểu rõ Trường Sa đã thay đổi, khởi sắc như thế nào.

Ông Thiệu Nhật Hiền, chủ tàu cá ở tỉnh Ninh Thuận có trên 20 năm hành nghề ở vùng biển Trường Sa chia sẻ rằng: “Bây giờ, thông tin liên lạc, dịch vụ hậu cần nghề cá tại Trường Sa cũng thuận lợi, đầy đủ như ở đất liền. Sau khi hải sản khai thác được nhập cho các tàu thu mua chở về đất liền, chúng tôi vào đảo gần nhất tiếp nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm rồi lại ra biển hành nghề”.

“Hãy yêu biển, đảo đúng cách”

Chủ quyền biển, đảo nói chung, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng luôn thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Xuất phát từ tình cảm đó, suốt thời gian qua, đồng bào khắp mọi miền luôn có hành động thiết thực góp phần chăm lo đời sống quân, dân, xây dựng huyện đảo ngày càng khởi sắc, giàu mạnh.

Quân, dân trên đảo Trường Sa tạm biệt đoàn công tác trở về đất liền. Ảnh: Viết Lam

Quân, dân trên đảo Trường Sa tạm biệt đoàn công tác trở về đất liền. Ảnh: Viết Lam

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận nhân dân hiểu chưa sâu sắc về chủ quyền biển, đảo dẫn đến cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước chưa chuẩn mực. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch tìm cách thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, làm suy giảm sức mạnh toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, qua câu chuyện với chúng tôi, Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân có nói rằng: “Chúng ta, nhất là các phóng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm góp sức để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu, thể hiện tình yêu biển, đảo thật chuẩn mực”.

Rồi ông giải thích, Việt Nam là một quốc gia biển, quyết tâm làm giàu từ biển, vậy phải làm sao để người dân hiểu biết sâu rộng, có hành động đúng đắn trong bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên biển, đảo. Muốn làm được điều đó, trước hết, phải bằng mọi cách tuyên truyền để nhân dân ta nắm được các quy định của pháp luật, nhất là Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982... Từ đó, có cơ sở pháp lý góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng cho biết thêm: “Nhiều năm gắn bó với biển, đảo của Tổ quốc, tôi rất xót xa khi những năm gần đây, đi qua một số khu vực biển thấy túi bóng, rác sinh hoạt do người dân thải ra trôi nổi rất nhiều. Biển có sạch đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân ở đất liền. Trong lực lượng Hải quân chúng tôi, từ các đơn vị trên bờ cho đến các tàu hoạt động trên biển đều thực hiện rất nghiêm túc việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Còn Thượng úy Lê Vũ Nhâm, Chính trị viên tàu 571, mới ngoài 30 tuổi, thực hiện nhiệm vụ đưa đoàn chúng tôi ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cũng có những trăn trở, nhất là về ý thức của người dân trong tiếp nhận, chia sẻ thông tin về chủ quyền biển, đảo trên mạng xã hội.

“Trong giai đoạn mạng xã hội bùng nổ, lượng thông tin về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng được chia sẻ rất rộng rãi. Trong đó, có nhiều thông tin thiếu chính xác, sai lệch với tình hình thực tế. Tôi mong rằng, nhân dân, nhất là các bạn trẻ cần tiếp nhận thông tin có chọn lựa, có kiểm chứng. Cùng với đó, mọi người cũng cần trang bị kiến thức, phát huy tinh thần, trách nhiệm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Thượng úy Lê Vũ Nhâm cho biết.

Viết Lam - Ngọc Lâm - Thùy An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-hao-truong-sa-thieng-lieng-bai-4-post464463.html