Từ Ngọc Khánh đến Trịnh Công Sơn: Phố đi bộ loay hoay tìm khách
Những năm gần đây, Hà Nội triển khai nhiều tuyến phố đi bộ với kỳ vọng kích cầu du lịch, phát triển kinh tế đêm và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, không ít phố đi bộ rơi vào tình trạng đìu hiu, kém hiệu quả.
Lèo tèo thực khách, cửa hàng treo biển cho thuê
Hà Nội hiện có nhiều phố đi bộ như phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố Trần Nhân Tông,… Ngoài ra, một số tuyến phố hoạt động theo mô hình phố đi bộ kết hợp ẩm thực như phố Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa), Phố Ngọc Khánh, …
Nếu như phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm là ví dụ điển hình cho mô hình phố đi bộ thành công khi thu hút hàng chục nghìn lượt người mỗi tuần, tạo điểm đến sôi động vào mỗi dịp cuối tuần thì tại một số tuyến phố đi bộ khác ở Hà Nội lại thường xuyên rơi vào tình trạng vắng vẻ, hoạt động kém hiệu quả.

Hàng quán hai bên mở cửa cầm chừng, không có khách
Có mặt tại phố đi bộ Ngọc Khánh vào 9h30 sáng thứ Bảy (ngày 10/5), chúng tôi dễ dàng nhận thấy không khí vắng lặng bao trùm toàn tuyến phố. Lượng người qua lại rất thưa thớt, chỉ lác đác vài cư dân địa phương đi bộ tập thể dục. Hàng quán hai bên mở cửa cầm chừng, nhiều nơi không có khách. Không khí uể oải và thiếu sức sống kéo dài từ sáng sớm đến trưa.
Chị Nguyễn Thanh, quản lý một quán cà phê trên phố đi bộ hồ Ngọc Khánh, chia sẻ: “Ngày thường quán khá đông khách từ sáng đến tối. Nhưng vào ngày tổ chức phố đi bộ, khách lại rất thưa thớt. Có lẽ do bị cấm xe, người dân ngại đi bộ, thành ra cả ngày vắng vẻ”.
Không chỉ ít người, hoạt động kinh doanh tại đây cũng trong tình trạng ế ẩm. Nhiều cửa hàng, quán cà phê đã đóng cửa, treo biển “cho thuê nhà” hoặc “sang nhượng mặt bằng” từ nhiều tháng nay nhưng vẫn không có khách hỏi.

Nhiều cửa hàng, quán cà phê đã đóng cửa, treo biển “cho thuê nhà”.
Một chủ cửa hàng kinh doanh ở đây cho biết: “Chúng tôi mở được vài tháng rồi nhưng những ngày cuối tuần không có khách. Giá thuê cao, lượng người qua lại thấp, bán không đủ chi nên khu này nhiều người đã phải trả lại mặt bằng không thuê nữa”.
Ghi nhận thực tế của phóng viên VOV.VN cho thấy, tình trạng bỏ trống mặt bằng đang lan rộng, khiến bộ mặt tuyến phố này càng thêm đìu hiu.
Hoạt động đơn điệu, người dân thờ ơ
Tương tự tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nơi được kỳ vọng là không gian văn hóa mang hơi thở nghệ thuật, gắn với khu vực Hồ Tây thơ mộng. Thế nhưng, sau nhiều năm hoạt động, nơi đây vẫn trong cảnh vắng vẻ, hoạt động cầm chừng.
Tình trạng vắng vẻ cũng diễn ra ở phố đi bộ Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, nơi có công viên Thống Nhất rộng lớn và vị trí trung tâm thành phố, từng được kỳ vọng sẽ là điểm đến lý tưởng cho người dân cuối tuần. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, tuyến phố này vẫn chưa để lại dấu ấn rõ nét.

Sau một thời gian phố đi bộ Trần Nhân Tông đi vào hoạt động, tuyến phố này vẫn chưa để lại dấu ấn rõ nét.
Từ ba tuyến phố đi bộ nói trên, có thể thấy vấn đề không nằm ở mô hình phố đi bộ, mà ở cách triển khai và nội dung tổ chức hoạt động đơn điệu.
Anh Lại Anh Dũng, ở phố Kim Mã nêu quan điểm, chính quyền đã có những bước đầu tiên trong việc tạo dựng một không gian văn minh và lịch sự tại các tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều người bởi nội dung hoạt động đơn điệu. “Tôi nghĩ cần phải có những sáng kiến thực tế hơn và đầu tư mạnh hơn để đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, cần có những hoạt động cụ thể và thiết thực để thu hút người dân tham gia, từ đó tạo ra giá trị thực sự cho các khu phố này”, anh Dũng nói.

Phố đi bộ vắng vẻ, hoạt động cầm chừng.
Các chuyên gia nhận định, mỗi khu vực có đặc thù dân cư, thói quen sinh hoạt và điều kiện hạ tầng riêng. Nếu không khảo sát kỹ mà cứ làm đại trà, phố đi bộ sẽ phản tác dụng. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi là nội dung nghèo nàn, không tạo được sức hút văn hóa, du lịch. Khi phố đi bộ chỉ dừng lại ở việc cấm xe, bày vài quầy hàng ăn uống đơn điệu mà thiếu điểm nhấn trải nghiệm thì người dân và du khách sẽ nhanh chóng mất hứng thú.