Từ nhận thức đến hành động: Hà Nội chuyển mình vì một đô thị xanh

Không khí sạch không còn là khái niệm trừu tượng trong các diễn đàn môi trường, mà đã trở thành mối quan tâm thường trực trong đời sống đô thị. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, nơi áp lực từ mật độ phương tiện, công trình xây dựng và tăng trưởng dân số diễn ra cùng lúc, việc cải thiện chất lượng không khí không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là thước đo của một đô thị văn minh và có trách nhiệm với tương lai.

Khi người dân trở thành trung tâm của thay đổi

Đáng mừng là những chuyển động tích cực đang bắt đầu từ chính cộng đồng – nơi người dân không đứng ngoài cuộc, mà chủ động thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất. Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam – chia sẻ góc nhìn của mình:

"Đối với người dân, chúng tôi nhận thấy mấy năm gần đây, nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường rất cao, như những khái niệm như bụi mịn PM2.5, những chỉ số chất lượng môi trường không khí, những tác hại của nó… Mọi người đều có mong muốn không khí được tốt lên. Để bảo vệ môi trường, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn của doanh nghiệp và chính chúng ta. Hành động của mỗi con người đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, không khí. Ví dụ trước đây, chúng ta hay nổ xe máy khi dừng ở ngã tư rất lâu nhưng bây giờ mọi người nếu dừng lâu thì tắt máy. Hoặc mấy năm nay chúng tôi thấy câu chuyện chuyển đổi sang phương tiện xe điện rất nhiều, ô tô cũng có, xe máy cũng có, đặc biệt là xe buýt xanh, thể hiện nhận thức của người dân mong muốn cùng đóng góp bảo vệ môi trường. Người dân ủng hộ vì điều này sẽ mang lại sức khỏe đến mỗi gia đình."

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

Ô nhiễm môi trường – thách thức phát triển và bài toán chính sách cho đô thị lớn

Khi những tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường ngày càng rõ ràng, không chỉ với sức khỏe con người mà còn với toàn bộ tiến trình phát triển, thì việc kiểm soát ô nhiễm trở thành ưu tiên cấp bách. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, ô nhiễm môi trường có thể làm suy giảm năng lực cạnh tranh của thành phố, gây bất ổn về xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Nhận diện được điều đó, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương – từ Luật Bảo vệ môi trường đến Chỉ thị 20 mới nhất của Thủ tướng Chính phủ – đều yêu cầu TP. Hà Nội thực hiện các biện pháp cụ thể, đặc biệt là kiểm soát vùng phát thải thấp, nơi sẽ áp dụng cơ chế giám sát nghiêm ngặt đối với các nguồn phát sinh ô nhiễm. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh:

"Để triển khai việc này, TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp hết sức cụ thể. Theo đó, chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực vành đai 1, trung tâm của Thủ đô.

Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân ở khu vực ngoài vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030, kể cả trong Thủ đô và giao diện với Thủ đô cũng thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi.

Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, chắc chắn cần sự phối hợp của nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có những biện pháp để kêu gọi và tổ chức quản lý, triển khai cho tất cả doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh để đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất. Bởi vì đây là sự nghiệp chung để kiến tạo môi trường chứ không chỉ có riêng nhà nước, hay nhân dân, doanh nghiệp."

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ là yêu cầu trước mắt để cải thiện chất lượng không khí, mà còn là lựa chọn chiến lược trong cấu trúc phát triển đô thị hiện đại. Với nền tảng chính sách đang được hoàn thiện, sự đồng thuận xã hội ngày càng rõ nét, Hà Nội có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. Thành công của hành trình này không chỉ tạo ra một thành phố sạch hơn, mà còn kiến tạo niềm tin về một mô hình phát triển đô thị bền vững – nơi lợi ích môi trường, kinh tế và sức khỏe cộng đồng được đặt song hành.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-ha-noi-chuyen-minh-vi-mot-do-thi-xanh-102250716143049632.htm