Từ những vụ tai nạn giao thông do rượu bia, mất ngủ: đừng tự biến mình thành hung thần
Chỉ trong nửa đầu tháng 7/2025, liên tiếp hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra ngay tại Hà Nội. Hai vụ việc với 2 nguyên nhân khác nhau nhưng chung một hậu quả: người chết, người bị thương nặng, phương tiện tan tành và những nỗi đau còn kéo dài...

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại phường Dương Nội. Ảnh: Sơn Nguyễn
Một giây phản ứng chậm là đã đủ gây thảm họa
Tối 16/7, tại đường Nguyễn Trác, phường Dương Nội, xe ô tô do anh Lê Minh Giáp (SN 1984) điều khiển bất ngờ lao vào 7 phương tiện đang di chuyển phía trước. Vụ va chạm khiến anh Đ.Q.V tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương, trong đó có 1 trẻ nhỏ bị thương nặng. Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế Giáp có nồng độ cồn 0,861 mg/L – gấp 2,2 lần mức “kịch khung” theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Trước đó chỉ một tuần, sáng 9/7, tại ngã tư Trần Đại Nghĩa – Đại La, chiếc xe ô tô do chị N.T.H (SN 1975) điều khiển đã tăng tốc, mất kiểm soát rồi tông vào 12 phương tiện khác. Hậu quả là 10 người bị thương, 1 người tử vong. Dù không có chất kích thích trong máu, nhưng người thân tiết lộ bà H đã mất ngủ liên tục nhiều ngày trước khi lái xe.
Những tai nạn do nồng độ cồn hoặc đơn giản chỉ là vài giây mất tỉnh táo thực tế không hiếm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không chỉ có nồng độ cồn, việc thiếu ngủ được công nhận là 1 trong những nguyên nhân làm tăng đáng kể nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ. Bởi lẽ, lái xe là một hoạt động phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng bậc cao, trong đó thông tin liên quan đến môi trường đường xá liên tục thay đổi phải được xử lý nhanh chóng và hiệu quả để người lái có thể phản ứng phù hợp. Các yếu tố như say rượu, sử dụng ma túy và mệt mỏi đều được công nhận là ảnh hưởng xấu đến quá trình này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, sau 17-18 giờ thiếu ngủ, khả năng phản xạ và phán đoán giảm nghiêm trọng, có thể bằng với người có nồng độ cồn cao. Mà trong lúc lái xe, chỉ một giây phản ứng chậm là đã đủ gây thảm họa.
Anh Trần Văn Huấn, một tài xế taxi công nghệ chia sẻ: “Chạy xe cả ngày, chúng tôi hiểu rất rõ rằng chỉ cần lơ là một chút là tai nạn ập đến ngay. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng 1 vài ly bia hoặc chén rượu hay hoặc việc đêm qua mất ngủ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình vận hành tay lái. Tuy nhiên họ lại không ý thức được rằng, chính họ lại đưa cả bản thân lẫn người khác vào nguy hiểm”.
Còn khi nói về việc rượu ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông.
Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi. Uống đến một nồng độ nhất định nó sẽ gây mất khả năng điều khiển, phối hợp vận động, mất khả năng phán xét… thì rõ ràng là không thể lái xe.
Với những người tâm lý ổn định, bình tĩnh thì còn có thể sẽ phần nào kiểm soát được. Với những người tâm lý khó kiểm soát, trong đầu luôn có xu hướng chống đối xã hội, kích động… thì phần lớn sẽ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông – tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Rượu bia, mất ngủ là những yếu tố cá nhân nhưng lại trở thành mối đe dọa công cộng
Điều đáng nói, ngay sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Dương Nội, tối ngày 17/7, Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) triển khai kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, xe máy và xe đạp.
Chỉ sau khoảng 30 phút hoạt động, cảnh sát đã phát hiện 10 trường hợp tài xế điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn từ mức dưới 0,25 mg/L khí thở đến vượt 0,4 mg/L khí thở.
Như vậy, có thể thấy dù hậu quả đã hiện hữu, mức xử phạt với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn khá cao nhưng nhiều người vẫn vi phạm.
Theo các chuyên gia, việc kiểm tra và xử phạt nồng độ cồn cần được thực hiện thường xuyên hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm, dịp lễ hoặc cuối tuần - thời điểm rủi ro gia tăng. Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã đưa ra chế tài nghiêm khắc nhưng nếu người vi phạm vẫn nghĩ rằng “một chén rượu không sao”, thì rõ ràng công tác tuyên truyền còn chưa đủ sức răn đe.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để giải quyết câu chuyện này, cũng cần rà soát lại quy định cấp phép lái xe với tài xế từng gây tai nạn nghiêm trọng do rượu bia hoặc mất kiểm soát thần kinh. Có thể xem xét đình chỉ dài hạn, kiểm tra lại sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, việc tuyên truyền đến cộng đồng không chỉ nhấn mạnh luật, mà kể chuyện thật, hậu quả thật. Những tình huống bi thương, chia sẻ từ người trong cuộc sẽ giúp đánh động lương tri người cầm vô-lăng hơn cả những con số khô khan.
Rượu bia, mất ngủ tưởng như những yếu tố cá nhân nhưng khi cầm vô-lăng, chúng trở thành mối đe dọa công cộng. Những hậu quả thương tâm là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai còn chủ quan hoặc coi thường quy định pháp luật. Bởi chỉ một cái nhắm mắt thoáng qua, một chén rượu vui vẻ, người cầm lái có thể biến mình thành hung thần trên đường phố.