Từ sự thay đổi chính sách và hướng tháo gỡ (Bài 1)

TIN LIÊN QUAN

Từ sự thay đổi chính sách và hướng tháo gỡ (Bài 2)

Thời gian qua, do có sự điều chỉnh khi Luật Đất đai năm 2003 hết hiệu lực và Luật Đất đai năm 2013 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, dẫn đến trong lĩnh vực đất đai xảy ra nhiều vướng mắc khi thực hiện chính sách mới nên gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp. Và việc nợ thuế của Công ty Cổ phần Dasar (Công ty Dasar) cũng bắt nguồn từ những vướng mắc đó…

Nợ thuế - điều không mong muốn của doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Thuế Lâm Đồng về tình hình nợ đọng thuế, tại thời điểm 30/9/2019, Công ty Dasar có tổng số tiền thuế nợ là 2.844 triệu đồng (gồm tiền thuê đất 1.741 triệu đồng, thuế GTGT 683 triệu đồng, thuế TNDN 4 triệu đồng và tiền chậm nộp 516 triệu đồng). Ông Nguyễn Quốc Hoài - Giám đốc Công ty Dasar, cho biết: Công ty từ Hà Nội vào Lâm Đồng theo lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng năm 2007, thuê và sửa chữa Biệt thự 21 Hùng Vương - Đà Lạt. Chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong chu kỳ 1 (2007-2012). Nhưng, từ năm 2011, khi có quyết định thay đổi giá thuê nhà đất tăng gấp nhiều lần, cũng là lúc, Công ty phải khiếu nại từ đó đến giờ, nhưng chưa giải quyết thấu đáo được.

Hiện trạng Biệt thự 21 Hùng Vương. Ảnh: L.Hoa

Hiện trạng Biệt thự 21 Hùng Vương. Ảnh: L.Hoa

Lần giở các văn bản của Công ty Dasar, tại Hợp đồng thuê nhà 21 Hùng Vương, Phường 10, Đà Lạt, số 1958/HĐ-STC, do bà Phùng Thị Hiền vào thời điểm đó là Giám đốc Sở Tài chính làm đại diện và ông Nguyễn Quốc Hoài (Chủ tịch HĐQT Công ty Dasar ký, với thời hạn thuê 50 năm (từ ngày 21/9/2007 đến 21/9/2057), có đơn giá thuê biệt thự cho chu kỳ ban đầu là 93,324 triệu đồng/năm. Tại Hợp đồng 1958 cũng có điều khoản quy định mỗi chu kỳ 5 năm, có mức tăng cho chu kỳ tiếp theo từ 3 - 10% chu kỳ liền kề trước đó. Ngày 26/1/2018, Quyết định 179/QĐ-UBND do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành, phê duyệt đơn giá Biệt thự 21 Hùng Vương là 14,426 triệu đồng/tháng (tức 173,112 triệu đồng/năm), gấp 1,855 lần so với giá thuê nhà ký lần đầu (185,49%).

Theo lý giải của ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc Công ty Dasar, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo ngành Thuế tháng 10/2019 cho hay: Công ty ký hợp đồng thuê nhà số 21 Hùng Vương với Sở Tài chính, trong đó có điều khoản giá thuê tính theo chu kỳ và mỗi chu kỳ mới tăng giá thuê không quá 10% giá thuê của chu kỳ cũ. Khi có quyết định cho thuê với giá tăng gần gấp đôi giá của chu kỳ trước một cách quá bất ngờ, khiến Công ty chưa thể ký lại hợp đồng... Đồng thời, Công ty liên tục kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết hợp lý. Do chưa có cơ sở để tính toán, dẫn đến điều không mong muốn là Công ty bị liệt vào doanh nghiệp nợ tiền thuế của Nhà nước.

Đơn giá tiền thuê đất trong khuôn viên Biệt thự 21 Hùng Vương cũng có những vướng mắc. Theo ông Nguyễn Quốc Hoài, năm 2007, doanh nghiệp ký hợp đồng thuê nhà, nhưng không ký hợp đồng thuê đất do chưa giải tỏa được các hộ dân trong khuôn viên biệt thự. Đến tận năm 2011, sau khi giải tỏa được mới ký hợp đồng giao đất. Đến năm 2012, giá thuê đất từ 19 ngàn/m2 (của chu kỳ trước) thay đổi lên thành 189 ngàn/m2 (gấp gần 10 lần), do quy tính tất cả đất trong khuôn viên Biệt thự 21 Hùng Vương là đất sản xuất - kinh doanh. Khi doanh nghiệp kiến nghị, thì từ năm 2017 đến nay, tiền thuê đất trong khuôn viên biệt thự được tính chi tiết từng loại đất, như: đất mái che, đất đường đi, đất cảnh quan...

Ông Hoài lý giải chi tiết hơn: Chúng tôi thuê biệt thự, nâng cấp biệt thự để duy tu, giữ gìn tài sản của Nhà nước.

Đất trong khuôn viên biệt thự không được xây dựng, không được chuyển đổi... thì không thể gọi là đất sản xuất - kinh doanh.

Vấn đề doanh nghiệp kiến nghị là yêu cầu tính toán lại tiền thuê đất từ năm 2016 trở về trước, như cách công nhận và phân chia nhiều loại đất trong khuôn viên Biệt thự 21 Hùng Vương từ năm 2017. Mấu chốt của vấn đề là, tại sao từ thời điểm 2016 trở về trước không tính theo giá từng loại đất, mà cứ nhất quyết áp thuế vào loại đất sản xuất - kinh doanh, khiến cổ đông của Công ty không chấp thuận, doanh nghiệp không thể kiến nghị thành công, dẫn đến không có cơ sở để giải trình Hội đồng quản trị và bị mang tiếng nợ thuế.

Ông Nguyễn Thế Dũng - Trưởng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế Lâm Đồng), xác nhận rằng: Công ty Dasar đã ứng tiền để giải tỏa các hộ dân ở số nhà 21 Hùng Vương từ năm 2007, nhưng đến năm 2011 mới giải tỏa được. UBND tỉnh tính tiền thuê đất từ năm 2007, do toàn bộ Biệt thự 21 Hùng Vương không đưa vào đấu giá vì đã có chủ trương giao cho doanh nghiệp. Trước thời điểm 1/7/2014, theo Luật Đất đai năm 2003, Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường ban hành quyết định truy thu phần tiền thuê trước. Khi Công ty Dasar có văn bản kiến nghị, Cục Thuế đã có hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ Sở Tài chính và Sở Tài nguyên - Môi trường để xem xét điều chỉnh. Còn từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp đã thống nhất với mức thuế cho chu kỳ từ 2017 đến nay, tức là có phân chia từng loại đất. Về đơn giá thuê nhà, UBND tỉnh cũng giao thẩm quyền cho UBND thành phố Đà Lạt và Sở Xây dựng, nên Cục Thuế cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ 2 nơi này để kiến nghị và giải quyết.

(CÒN NỮA)

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/cau-chuyen-no-thue-cua-cong-ty-co-phan-dasar-tu-su-thay-doi-chinh-sach-va-huong-thao-go-bai-1-2969809/