Từ sự thay đổi chính sách và hướng tháo gỡ (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Từ sự thay đổi chính sách và hướng tháo gỡ (Bài 1)

Vận dụng các quy định tìm tiếng nói chung

Vấn đề nợ thuế của Công ty Cổ phần Dasar (Công ty Dasar) là do trong quá trình áp dụng các văn bản pháp lý chưa có sự thống nhất, phù hợp với Luật Quản lý thuế. Sau buổi đối thoại với ngành Thuế, không chỉ riêng Công ty Dasar, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng khẳng định, đã được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng theo quy định của Nhà nước.

Đại diện Công ty Dasar - ông Nguyễn Quốc Hoài (đứng) tại Hội nghị đối thoại với lãnh đạo ngành Thuế (tháng 10/2019). Ảnh: L.Hoa

Đại diện Công ty Dasar - ông Nguyễn Quốc Hoài (đứng) tại Hội nghị đối thoại với lãnh đạo ngành Thuế (tháng 10/2019). Ảnh: L.Hoa

Ông Nguyễn Quốc Hoài - Giám đốc Công ty Dasar khẳng định: Vấn đề của Công ty Dasar sẽ trở nên đơn giản hơn bằng cách đảm bảo những nội dung tính tiền thuê đất và tiền thuê nhà theo thỏa thuận ban đầu khi doanh nghiệp nhận quyết định đầu tư. Được điều chỉnh hợp lý, chúng tôi sẵn sàng thực hiện ngay nghĩa vụ với Nhà nước, như thế cũng phù hợp với cơ chế thị trường. Lúc Sở Tài chính có Văn bản 1598 ngày 7/7/2017, chúng tôi được hướng dẫn gặp Sở Tài nguyên - Môi trường để kiến nghị, nhưng không được giải quyết mà chỉ đưa hợp đồng yêu cầu ký. Công ty Dasar cũng từng họp với các sở đến 3-4 cuộc họp và vẫn giống như lần đầu, sở nào cũng khẳng định là làm đúng quy định. Nhưng, chúng tôi không thể ký được vì những lý do như trên, chứ không phải cố tình chây ỳ, dây dưa và mang tiếng nợ thuế. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh cùng tham gia giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp tại từng mốc thời điểm để ghi nhận, trao đổi trực tiếp và tháo gỡ từng vấn đề một cách rõ ràng, thấu tình đạt lý để hoạt động yên ổn.

Cũng theo ông Hoài: Việc áp đơn giá thuế cho doanh nghiệp khác nhau rõ ràng là có sự không đồng nhất. Đối với Công ty Dasar là từng thời điểm áp thuế theo từng loại đất khác nhau; nhưng đối với các doanh nghiệp khác, họ đã được áp thuế là đất rừng cảnh quan; mà mức chênh giữa đất rừng cảnh quan và đất sản xuất kinh doanh là hàng chục lần chứ không chỉ vài phần trăm là điều rất khó chấp nhận. Hơn nữa, tại thời điểm Công ty Dasar tiến hành các thủ tục đầu tư, Biệt thự 21 Hùng Vương đang bị bỏ hoang, chính lãnh đạo tỉnh mời chúng tôi thuê để chúng tôi cải tạo lại và giữ gìn, chứ không có ai cùng tranh thuê để phải đấu giá và lúc đó cũng chưa có quy định đấu giá. Chúng tôi còn ứng trước tiền thuê để giải tỏa các hộ dân, giải phóng mặt bằng. Việc ký kết hợp đồng thuê tài sản của Nhà nước thì chúng tôi là đối tác của tỉnh. Thỏa thuận trong hợp đồng được công chứng rồi, “đùng một cái” tăng lên không có sự trao đổi, bàn bạc. Không được cổ đông chấp nhận thì chúng tôi không có cơ sở thực hiện. Chúng tôi mong muốn được xem xét vấn đề theo hướng đảm bảo đúng tinh thần các nội dung đã ký ban đầu, chứ không thể có 3 chu kỳ áp thuế thiếu đồng nhất là: chu kỳ đầu - rẻ, chu kỳ 2 tăng lên gấp chục lần, chu kỳ 3 xuống lại...

Ông Nguyễn Văn Từa - Phó Cục trưởng Cục Thuế, phát biểu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo ngành Thuế tháng 10/2019 cho rằng: Việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Lâm Đồng, bỏ nhiều công sức và tiền của, góp phần giải quyết công ăn việc làm tại địa phương là điều rất đáng trân trọng. Cơ quan Thuế có trách nhiệm thu thuế theo quy định của Nhà nước chứ không có quyền áp thuế cho bất cứ doanh nghiệp nào. Hằng năm, ngành Thuế cũng có các đoàn thanh tra, kiểm tra... nếu làm không đúng trách nhiệm thì cũng phải chịu kỷ luật, không cho xem xét - kiểm điểm gì cả... Văn bản quy định: Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn quy định (90 ngày) thì cơ quan thuế sẽ phải báo cáo các cơ quan chức năng theo trình tự và cuối cùng, tỉnh sẽ ra văn bản thu hồi (sau khi nhắc nhở, ra thông báo, cưỡng chế, chặn hóa đơn thì thu hồi quyết định đầu tư...). Đến bước đó, sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Thời gian qua xảy ra nhiều vướng mắc do bất cập từ chính sách, từ thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề của Công ty Dasar trình bày đã tương đối rõ là khúc mắc ở tiền thuê đất, nhà. Về đất, doanh nghiệp đã đồng tình với cách tính đơn giá đất từ 2017 đến nay; từ 2016 về trước còn nhiều vướng mắc như doanh nghiệp trình bày, nhưng lại không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế và cần có thời gian để giải quyết. Nhưng, các khoản thuế đã đồng thuận là tiền thuê đất từ 2017 đến nay, cũng như thuế GTGT và thuế TNDN, phải kê khai điều chỉnh bổ sung và nộp khoản tồn đọng (nếu có) trong tháng 10.

Đối với các vướng mắc, cụ thể, với khoản tiền thuê đất từ 2016 về trước, đơn vị làm văn bản gởi UBND tỉnh, đồng thời gởi cho Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường và cơ quan Thuế (là Hội đồng thẩm định giá của tỉnh) và nêu rõ các lý do. Doanh nghiệp cần nghiên cứu Luật Đất đai, Nghị định 46, Thông tư 17; đặc biệt là nghiên cứu phần thay thế các thông tư (tìm ngược) để có các căn cứ cụ thể giải quyết vấn đề của mình. Hằng tháng, UBND tỉnh có ngày tiếp dân, đề nghị người có thẩm quyền của Công ty (Giám đốc, Phó Giám đốc) mang văn bản lên gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh, hoặc gặp đại biểu Quốc hội, HĐND để giải quyết. Về tiền thuê nhà, trước kia UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài chính; từ năm 2017 đến nay là ủy quyền cho UBND thành phố Đà Lạt. Vì vậy, doanh nghiệp cũng làm kiến nghị tương tự như kiến nghị tiền thuê đất và đến đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt trong ngày tiếp dân để được hướng dẫn giải quyết.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/cau-chuyen-no-thue-cua-cong-ty-co-phan-dasar-tu-su-thay-doi-chinh-sach-va-huong-thao-go-bai-2-2969999/