'Từ thiện - quan trọng là giúp đúng người'

Chia sẻ với báo TG&VN về vấn đề làm từ thiện thế nào cho đúng, ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, khẳng định, từ thiện không đơn giản là giúp người, mà giúp ai, giúp như thế nào, giúp sao cho đúng lúc, đúng chỗ để việc thiện nguyện đến đúng người.

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, từ thiện không đơn giản là giúp người, mà giúp ai, giúp như thế nào, giúp sao cho đúng lúc, đúng chỗ để việc thiện nguyện đến đúng người. (Ảnh: KHPT)

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, từ thiện không đơn giản là giúp người, mà giúp ai, giúp như thế nào, giúp sao cho đúng lúc, đúng chỗ để việc thiện nguyện đến đúng người. (Ảnh: KHPT)

Vừa qua, nhiều nhân vật nổi tiếng chung tay làm từ thiện, kêu gọi mọi người quyên góp để giúp dân vùng lũ lại bị những “anh hùng bàn phím” chỉ trích là làm màu, đánh bóng tên tuổi, keo kiệt, bị soi mặc hàng hiệu hoặc bị nghi kỵ về mức độ minh bạch trong khoản tiền quyên góp. Phải chăng làm người tốt thời nay chẳng dễ?

Là một xã hội, người có ý này, ý khác là đương nhiên. Tuy nhiên, người ta cũng xét đến các yếu tố, quan điểm, quá trình sống và ứng xử của những người đứng ra kêu gọi. Chẳng hạn, dù là một ngôi sao nhưng nếu phát ngôn sai lệch, ngôn từ tục tĩu trên mạng xã hội thì khó mà gây quỹ thành công.

Hơn nữa, việc ghen ghét, nghi kỵ những việc làm tốt đẹp phản ảnh thực trạng lòng tin của con người vào những giá trị phổ quát ngày càng xuống thấp. Điều này bắt nguồn từ những gian dối lũy tích và tồn đọng trong nhiều lĩnh vực của xã hội.

Một hành động tốt, một lời nói tốt khiến ban đầu người ta nghi ngờ nhiều hơn là cảm động. Một nguyên nhân nữa là do những thành phần dựng chuyện, nói xấu bôi nhọ những người nổi tiếng, những người có uy tín như là cách họ muốn kéo xã hội đi xuống.

Mong những người có tâm với đất nước không vì bị nghi kỵ mà thôi làm điều tốt. Mong những người Việt Nam dù ở đâu cũng chân thành với nhau để cái tốt được lan tỏa và trở thành điều bình thường trong xã hội.

Phải chăng đó là biểu hiện của phông kiến thức hạn hẹp, nhận thức lệch lạc và chủ yếu a dua theo số đông?

Với những người ít hiểu biết, vô cảm dễ bị dẫn dắt bởi những kẻ xấu, những kẻ biết gây nghiện cho số đông bởi những xảo thuật và dối trá.

Chẳng hạn, nhiều người đã và đang tìm cách dựng chuyện, nói xấu MC Phan Anh, Thủy Tiên và cả nỗ lực Sách hóa Nông thôn của nhiều người Việt. Kẻ xấu choáng ngợp trước cái tốt và tìm cách hạ bệ cái tốt.

Tôi tin, nhờ sức mạnh của internet, sức mạnh của những người thực làm, số đông sẽ dần nhận ra những cái tốt, cái xấu, đâu là tô vẽ và đâu là sự thật, xã hội sẽ dần tốt đẹp lên.

Chuyện tử tế dường như vẫn là vấn đề thời sự đối với xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi là sống tử tế thì được gì? Trong sự lên ngôi của "chủ nghĩa vật chất" thì theo ông, làm cách nào để lan tỏa những điều tử tế trong xã hội, từ câu chuyện của Thủy Tiên làm từ thiện?

Xã hội vốn đa dạng, người xấu kẻ tốt song tồn. Tuy nhiên, ở bất cứ xã hội nào, lòng trắc ẩn, trách nhiệm xã hội, sự tử tế, lòng nhân ái mãi mãi là đích hướng đến của xã hội.

Tôi có bộ quy tắc cho lối sống của mình được xây dựng trên các triết lý sống của tổ tiên, của cha tôi, đơn cử là: lấy trung thực đối đãi dối trá, lấy hành động trách nhiệm đối đãi vô cảm, lấy tử tế đối đãi kẻ hại mình…

Bởi vậy, mình muốn xã hội thế nào thì hãy sống như vậy. Trong xã hội với sự lên ngôi của đồng tiền, thì sống tử tế, lương thiện là xương sống cho niềm hy vọng của xã hội.

Khi mỗi cá nhân ý thức, mỗi người cùng nỗ lực trui rèn để sống tử tế sẽ hình thành cộng đồng tử tế. Một cộng đồng tử tế sẽ làm nên một quốc gia tử tế và được tôn trọng.

 Ông Nguyễn Quang Thạch (giữa) đi bộ ở bang Maharashtra (Ấn Độ) kêu gọi Sách cho Ấn Độ, Sách cho quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu, sách chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Quang Thạch (giữa) đi bộ ở bang Maharashtra (Ấn Độ) kêu gọi Sách cho Ấn Độ, Sách cho quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu, sách chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: NVCC)

Là một nhà hoạt động xã hội tâm huyết, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chữ tín và niềm tin trong làm từ thiện?

Theo tôi, chữ tín là hợp nhất nhiều giá trị khác trong mỗi cá thể, tập thể và quốc gia rộng lớn. Chữ tín, hiển nhiên gồm lòng trắc ẩn, trách nhiệm xã hội, sự liêm chính, dũng cảm lên án những sai trái của chính quyền và thành viên xã hội, sự chuyên nghiệp trong nghề nghiệp.

Ca sĩ Thủy Tiên có nhiều người hâm mộ, lại tiên phong ra vùng lũ, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người và họ muốn gửi gắm sự san sẻ với đồng bào đang bị lũ. Số tiền quyên góp lên tới 150 tỷ cho thấy Thủy Tiên có uy tín rất lớn đối với người gửi tiền đến đồng bào qua cô ấy.

Bởi vậy, để thu hút sự thiện tâm của người khác phục vụ các mục tiêu xã hội, chữ tín là bậc nhất. Có chữ tín thì mọi khó khăn đều được hóa giải. Thiếu chữ tín thì dù cá nhân hay đại diện quốc gia, đều không nhận được sự tin tưởng của người khác, không ai gieo niềm tin vào những kẻ dối trá.

Từ thiện không đơn giản là giúp người, mà giúp ai, giúp như thế nào, giúp sao cho đúng lúc, đúng chỗ để việc thiện nguyện đến đúng người. Quan trọng nhất là cần công khai, minh bạch việc mình làm. Công khai số tiền ủng hộ và cách chi tiêu, cập nhật quá trình thiện nguyện sẽ tạo sự tin tưởng và có hiệu ứng lan tỏa việc tốt.

Ông nghĩ gì về “hiện tượng” Thủy Tiên trong những ngày vừa qua?

Việc nhiều người đóng góp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt ở Miền Trung thông qua ca sĩ Thủy Tiên, chúng ta thấy được tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội của nhiều người Việt Nam. Chia sẻ trách nhiệm xã hội là một trong những chỉ số của xã hội văn minh bởi vậy chúng ta cần xem đây là điều đáng mừng giữa những vấn đề mà xã hội ta đang gặp phải.

Thực ra, việc cá nhân đứng ra kêu gọi được số tiền lớn giúp nạn nhân bão lụt, MC Phan Anh đã mở màn với 24 tỷ huy động được trong thời gian ngắn trong năm 2016. Khi đó, nếu MC Phan Anh không ngừng nhận tiền, thì con số chưa dừng ở 24 tỷ. Thủy Tiên như là sự tiếp nối của Phan Anh và số lượng người ủng hộ người dân miền Trung tiếp nối và nhân rộng tinh thần tương trợ nạn nhân bão lụt những năm trước đây.

Chúng ta cũng biết rằng Thủy Tiên cũng đã kêu gọi hơn 14 tỷ đồng giúp bà con miền Tây lắp đặt trạm lọc nước hồi tháng 3. Qua Phan Anh, Thủy Tiên và rất nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện và phát triển bền vững, chúng ta thấy rằng nhiều người Việt luôn có tấm lòng ‘tương thân tương ái’, ‘lá lành đùm lá rách’, biết đau nỗi đau chung của đồng bào mình, có tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội.

Những đức tính tốt này vốn nằm trong tâm thức nhiều người Việt. Nó sẽ được phát tác và nhân rộng nếu có xúc tác - ở đây chính là người tiên phong, có trách nhiệm và có sự tin yêu của đám đông. Sự chia sẻ trách nhiệm xã hội càng cao bao nhiêu chứng tỏ xã hội ấy càng văn minh và nhân văn bấy nhiêu.

Ông Nguyễn Quang Thạch là người khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam với mô hình Tủ sách Lớp học đã nhân rộng sang Ấn Độ. Ông là Cố vấn chiến lược EV Academy UK (trường học trực tuyến của Anh Quốc). Năm 2016 và 2017, ông nhận giải thưởng UNESCO và thư viện quốc hội Mỹ.

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-thien-quan-trong-la-giup-dung-nguoi-127389.html