Tuần lễ hưởng ứng phòng, chống kháng thuốc trong lực lượng CAND
Kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi hành động khẩn cấp của các cấp, các ngành để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi CBCS CAND cần lan tỏa thông điệp: Chung tay ngăn ngừa đề kháng kháng sinh. 'Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Tăng cường giáo dục - vận động - hành động ngay!'.
Đó là thông điệp Cục Y tế Bộ Công an phát động nhằm hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc từ ngày 18/11 - 24/11/2024.
Kháng sinh được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, việc kê đơn và sử dụng kháng sinh không hợp lý dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc trong điều trị bệnh, sử dụng kháng sinh tràn lan làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2024 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, kháng thuốc khiến người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Khi vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, việc điều trị nhiễm khuẩn cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn kháng kháng sinh trở nên phức tạp hơn, dẫn đến thời gian nằm viện lâu hơn, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, mức độ kháng kháng sinh ngày càng gia tăng do việc sử dụng quá mức và sử dụng không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế và trong cộng đồng.
Thời gian qua, hưởng ứng các chương trình, hoạt động của WHO và Bộ Y tế, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng, Cục Y tế Bộ Công an đã chủ động triển khai các kế hoạch và chương trình hoạt động phòng, chống kháng thuốc trong CAND.
Tiếp nối chuỗi hoạt động từ những năm trước, kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn trong CAND đã được Bộ Công an đề ra với mục tiêu là: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe CBCS và nhân dân. Theo đó, Cục Y tế sẽ làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc - kiểm soát nhiễm khuẩn trong CAND".
Chia sẻ về chương trình, Đại tá Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu. Để lan tỏa mạnh mẽ công tác phòng, chống kháng thuốc đến từng đơn vị và mỗi CBCS trong CAND, Cục Y tế đã chỉ đạo y tế Công an các đơn vị, địa phương tổ chức treo pano, băng rôn tuyên truyền tại trụ sở làm việc, với thông điệp: Chung tay ngăn ngừa đề kháng kháng sinh "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Tăng cường giáo dục - vận động - hành động ngay!”
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về quản lý kháng sinh nhằm kiểm soát sử dụng kháng sinh phù hợp, tối ưu hóa, và quan trọng nhất là hình thành trong bác sĩ “ý thức thận trọng” trước khi cho y lệnh kháng sinh, bao gồm các hoạt động: Xây dựng danh mục kháng sinh cần phê duyệt trước khi sử dụng, ban hành Quy định về quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, thành lập Nhóm Quản lý sử dụng kháng sinh...
Bên cạnh đó, Cục Y tế đã tổ chức các lớp truyền thông về phòng, chống kháng thuốc cho CBCS; in ấn, cấp phát tài liệu tuyên truyền về phòng, chống kháng thuốc cho các đơn vị, nhằm phổ biến đến CBCS CAND: Chỉ dùng kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sĩ; không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước hoặc không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình cho người khác; phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.