Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Mã Liềng
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, hỗ trợ sinh kế, chương trình mục tiêu quốc gia còn hỗ trợ truyền thông thực hiện bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Nằm ở phía Tây huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, Xã Lâm Hóa thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cả xã có 312 hộ dân, 1.315 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 159 hộ với 632 nhân khẩu đa số là người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt, sinh sống tập trung ở bản Kè, bản Cáo và bản Chuối, đời sống còn nhiều khó khăn.
Cuối năm 2023, toàn xã có 156 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50%, trong đó, hộ nghèo người dân tộc thiểu số có 129 hộ, chiếm tỷ lệ 81,13% tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Từ năm 2022 đến nay, xã Lâm Hóa đã nhận được vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên 35 tỷ đồng và trên 14 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Để giải quyết tình trạng thiểu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, xã đã phân bổ trên 1,6 tỷ đồng cho bà con thuộc đối tượng thụ hưởng, đồng thời hỗ trợ 621 triệu đồng mua máy cày, máy xới đất đa năng và bình dự trữ nước sinh hoạt cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Lập hồ sơ giao khoán rừng cho cộng đồng, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình chăn nuôi lợn, dúi sinh sản, xây dựng vườn mẫu...
“Từ khi được chương trình hỗ trợ mua chiếc máy cày, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi và nhiều bà con trong bản đỡ vất vả hơn. Cũng nhờ làm dịch vụ cho thuê máy cày nên thu nhập trong gia đình được nâng lên, các con được ăn học đàng hoàng”. Anh Hồ Văn Thắt ở bản Kè nói.
Chương trình đã phân bổ gần 2,5 tỷ đồng về y tế và gia đình nhằm mục đích hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai trước, trong và sau sinh, hỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn sinh con đúng chính sách dân số, hỗ trợ sữa học đường cho trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi tại 3 bản, hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị cho trạm y tế.
Bên cạnh đó, dự án về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được xã Lâm Hóa thực hiện hiệu quả.
Ngoài ra, xã Lâm Hóa còn tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất. Gần 3 năm qua, các dự án, tiểu dự án thực hiện đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thay đổi diện mạo vùng quê như xây dựng 2 nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Kè và bản Chuối, làm các bảng pa nô, áp phích tuyên truyền, vận động các nội dung liên quan đến chương trình và các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân…
Nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ nên nhiều con đường bê tông mới trong bản đã thay thế cho những con đường đất, giúp cho người dân thuận tiện đi lại.
Hệ thống trường, lớp, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ truyền thông thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thực sự giúp cho xã Lâm Hóa thay đổi về mọi mặt. Đặc biệt, cơ sở vật chất trên địa bàn ngày càng được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất người dân. Chất lượng giáo dục, y tế, thông tin được nâng lên. Các hoạt động văn hóa được khôi phục, phát triển. Với những kết quả đạt được, xã Lâm Hóa phấn đấu cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40%...