Tướng phi công Nguyễn Đức Soát hé lộ điều làm nên sức mạnh không quân Việt Nam

Ngày 14-12, tại Hà Nội, trong buổi lễ ra mắt cuốn hồi ức 'Bầu trời - Trường đại học của tôi ' của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tha thiết gửi lời mời thần tượng của mình tham gia vào Hội Nhà văn.

Cuốn sách này đã hé lộ một phần, điều làm nên sức mạnh không quân Việt Nam. Nếu như Nhật ký phi công tiêm kích, xuất bản năm 2020, là những trải lòng chân thực về hành trình từ một học viên tập bay cho đến khi trở thành phi công trẻ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, thì hồi ức Bầu trời - Trường đại học của tôi (2024) lại đi sâu hơn vào “đời bay” của tướng Nguyễn Đức Soát với những chiến công và kỷ niệm không thể nào quên.

Những trang sách tràn đầy cảm xúc, kể về cuộc đời lao động, chiến đấu và tình yêu quê hương - gia đình của vị tướng huyền thoại. “Quê hương chính là nơi tôi tìm thấy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn”, ông viết.

Bắt đầu sự nghiệp ở tuổi đôi mươi với việc học lái MiG-21, Nguyễn Đức Soát nhanh chóng thể hiện tài năng xuất chúng khi bắn hạ 6 máy bay Mỹ và trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi. Dù đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân, ông vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công trẻ, một minh chứng cho tinh thần cống hiến không ngừng.

Nếu Nhật kí phi công tiêm kích là tư liệu ghi chép, những trang nhật ký lấp lánh chất văn, thì Bầu trời - Trường đại học của tôi cho thấy tư duy mạch lạc, lối kể chuyện tự nhiên và lôi cuốn của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Cuốn sách gồm 2 phần, phần đầu là Đời bay, phần hai là Quê hương và gia đình.

Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy - Trung tướng Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát.

Bên cạnh những chiến công, cuốn sách còn hé lộ những câu chuyện hậu chiến đầy nhân văn. Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã góp phần xây dựng hòa bình bằng cách tham gia các hoạt động giao lưu, hàn gắn vết thương chiến tranh với những phi công Mỹ từng là kẻ thù. Ông tâm sự: “Chiến tranh kết thúc, nhưng những giá trị nhân đạo và tình người mới là điều tồn tại mãi mãi”.

Theo nhà thơ Hữu Việt, tướng Soát khiêm nhường tối đa trong hồi ký, tập trung ngợi ca đồng đội và tri ân những người chỉ huy tài giỏi. Sự tinh tế ấy khiến người đọc càng thêm khâm phục và tin tưởng vào câu chuyện của ông.

Như Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo nhận xét, “Bầu trời chính là trường đại học đặc biệt để Nguyễn Đức Soát trui rèn và phấn đấu”. Từ chiến trường đến thời bình, ông đã sống trọn vẹn với lý tưởng và tình yêu dành cho quê hương, đất nước. Cuốn sách không chỉ là hồi ức cá nhân, mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình lao động, sáng tạo và bảo vệ hòa bình.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuong-phi-cong-nguyen-duc-soat-he-lo-dieu-lam-nen-suc-manh-khong-quan-viet-nam-post773019.html