Tuyên án 25 bị cáo trong vụ lừa đảo qua app chiếm đoạt 4,3 tỷ
Ngày 18-7, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án đối với 25 bị cáo trong vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm
Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Đinh Văn Phú (sinh năm 1991), Nguyễn Văn Việt (sinh năm 2001), Nguyễn Ái Việt (sinh năm 1997), Phạm Thị Phượng (sinh năm 1997), Phạm Văn Huy (sinh năm 2003) cùng ngụ tỉnh Quảng Ninh; Võ Quốc Thái (sinh năm 1996), Phạm Hoài Nam (sinh năm 2002), Võ Như Ngọc (sinh năm 2004), Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 2004), Hoàng Tiến Dũng (sinh năm 2003), Ngô Thanh Bình (sinh năm 2002), Lê Thị Trúc Mai (sinh năm 2008), Lê Hoàng Nhân (sinh năm 2009) cùng ngụ tỉnh Tây Ninh; Võ Văn Tính (sinh năm 2002), Huỳnh Thanh Nguyên (sinh năm 2003) cùng ngụ tỉnh Cà Mau; Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 2003, ngụ tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 2002, ngụ TP Hà Nội), với mức án từ 11 năm tù đến 15 năm tù về tội “ Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Tử Đang Thanh (sinh năm 2006, ngụ tỉnh Cà Mau); Võ Thùy Trang (sinh năm 1997, ngụ tỉnh Bạc Liêu); Lương Văn Thủy (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Quảng Ninh); Kim Thúy Vân (sinh năm 2006), Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 2006), Trần Nguyễn Gia Phú (sinh năm 2001), Lê Thị Ngọc Quyền (sinh năm 2005), Hồ Thanh Toàn Em (sinh năm 2000) cùng ngụ tỉnh Tây Ninh, bị tuyên mức án 5 - 10 năm tù cùng tội danh trên.
Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các bị hại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, với tổng số tiền lên đến 3 tỷ 751 triệu đồng.
Theo cáo trạng, từ tháng 7-2023 đến tháng 4-2024, Đinh Văn Phú cùng đồng phạm câu kết với nhóm đối tượng người Trung Quốc thành lập công ty trá hình tại Campuchia và xây dựng các app có giao diện như ứng dụng tình yêu, sex, đầu tư tài chính, chứng khoán, casino… để lừa đảo người dùng tại Việt Nam.
Các đối tượng phân chia thành từng nhóm chức năng: nhân viên sale làm quen bị hại qua mạng xã hội; nhóm “bắt khách” hướng dẫn thao tác nạp tiền; nhóm “nhận bill” xác nhận chuyển khoản; nhóm “hậu đài” hỗ trợ kỹ thuật; nhóm “xuất khoản” giả vờ hoàn tiền hoặc rút tiền lỗi nhằm đánh lừa bị hại.
Khi bị hại tin tưởng và nạp tiền vào app theo hướng dẫn, hệ thống sẽ hiển thị lệnh “chờ xử lý” hoặc yêu cầu thêm các khoản phí như: nâng cấp VIP, xác minh OTP, bảo trì hệ thống... Trong thực tế, toàn bộ giao dịch đều do các bị cáo điều khiển và chiếm đoạt.
Đối tượng bị nhắm đến chủ yếu là nam giới đang độc thân. Sau khi kết bạn và trò chuyện qua Telegram hoặc Facebook, các bị cáo sử dụng hình ảnh nữ giới xinh đẹp để làm quen, dụ bị hại nạp tiền “đầu tư” vào các app.
Một số app có giao diện như: “Gentle Love Paradise”, “Lầu Xanh”, “Casino Lisboa”, “Mirae Asset”… với lời hứa hẹn sinh lời cao, được hoàn tiền sau 7 ngày hoặc nhận thưởng khi lên VIP1, VIP2.
Quá trình điều tra xác định, đường dây của Phú đã chiếm đoạt của 7 bị hại với tổng số tiền lên tới hơn 4,3 tỷ đồng. Các bị cáo đã dùng nhiều tài khoản ngân hàng, Telegram, app ảo để che giấu hành vi. Một số bị hại còn bị lôi kéo nạp tiền nhiều lần, bị hướng dẫn thực hiện các thao tác phức tạp nhằm gây khó khăn cho việc tố giác.
Hội đồng xét xử cũng làm rõ vai trò từng bị cáo, trong đó Đinh Văn Phú là người tổ chức, điều hành toàn bộ đường dây; Nguyễn Văn Việt (sinh năm 2001) là “phó chỉ huy”, phụ trách tuyển mộ, phân công nhiệm vụ và theo dõi hiệu suất làm việc của nhân viên.
Các bị cáo khác như: Nguyễn Ái Việt, Võ Quốc Thái, Võ Văn Tính, Tử Đang Thanh… giữ các vai trò từ “giết khách” (dụ khách nạp tiền nhiều lần), “hậu đài” (kiểm soát giao dịch), đến “nhận bill” và “xuất khoản”.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài, có tổ chức chặt chẽ, sử dụng công nghệ cao và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Hành vi của các bị cáo xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân, làm mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến niềm tin vào môi trường mạng. Việc xử lý nghiêm là cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung.