Tuyển sinh đại học năm 2025: Thay đổi để thích ứng

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì vậy, công tác tuyển sinh đại học cũng dự kiến có những thay đổi, đòi hỏi học sinh phải kịp thời nắm bắt để chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mới trong học tập và định hướng nghề nghiệp.

Thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 có số lượng và tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển cao nhất trong 3 năm gần đây. Báo cáo kết quả giáo dục đại học cho thấy, năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập dữ liệu nguyện vọng, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ này năm 2023 là 65,9% (tương đương hơn 660.000 thí sinh) và năm 2022 là 64,1% (hơn 616.000 thí sinh). Điều này cho thấy nguồn tuyển của các cơ sở đào tạo năm nay dồi dào hơn và kỳ vọng chất lượng được nâng lên. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, các trường vẫn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn.

Công tác tuyển sinh đại học năm 2025 dự kiến sẽ có những thay đổi, đòi hỏi học sinh cần chủ động nắm bắt. (Ảnh: P.T)

Công tác tuyển sinh đại học năm 2025 dự kiến sẽ có những thay đổi, đòi hỏi học sinh cần chủ động nắm bắt. (Ảnh: P.T)

Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, các cơ sở đào tạo trên cả nước áp dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức chính được nhiều trường sử dụng với tỷ lệ chỉ tiêu nhiều nhất là sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước. Theo đó, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, học sinh được lựa chọn 2 môn thi còn lại trong số các môn được học ở lớp 12 (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ). Với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học lớn ở Hà Nội đã rục rịch có những định hướng mới trong tuyển sinh, trong đó có việc giảm tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố vào cuối tháng 6/2024, nhà trường sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp; trong đó chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Dự kiến, năm 2025, nhà trường vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét tuyển thẳng, nhà trường dành 2% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển kết hợp chiếm 83% chỉ tiêu và 15% là chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đó, trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển: A00 (Toán - Vật lí - Hóa học), A01 (Toán - Vật lí - Tiếng Anh), D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh). Các môn thi đều tính hệ số 1 khi xét tuyển. Điểm trúng tuyển theo mã tuyển sinh; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển, không có tiêu chí phụ.

Tương tự, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường vẫn duy trì 3 phương thức xét tuyển (xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT) như năm 2024, tuy nhiên dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT từ 50% xuống còn 40% và tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.

Đổi mới nội dung, cấu trúc đề thi

Ghi nhận từ mùa tuyển sinh năm 2024, số lượng cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ nhu cầu tuyển sinh tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều trường có xu hướng tăng chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào. Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, vì vậy các kỳ thi riêng cũng đã được các nhà trường lên phương án đổi mới hơn.

Kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) của Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số kỳ thi riêng được nhiều cơ sở đào tạo sử dụng kết quả để xét tuyển. Năm 2025, để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kỳ thi sẽ có nhiều điểm mới. Theo đó, cấu trúc đề thi gồm 50 câu hỏi Toán học và Xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA. Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi Khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi năm 2025 là sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.

Cũng từ năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học.

Có thể khẳng định, ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển, đồng thời cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe và kiến thức tham gia 1-2 kỳ thi riêng thay vì tham gia nhiều kỳ thi.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-thay-doi-de-thich-ung-178062.html