Ứng cử viên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong mục Diễn đàn ứng cử viên Đại biểu quốc hội khóa XV. Cùng trao đổi với chúng tôi trong chương trình ngày hôm nay xin trân trọng giới thiệu bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Ứng cử viên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Ứng cử viên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên
Ứng cử viên Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Ứng cử viên Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Lý lịch trích ngang

Họ và tên: Nguyễn Thanh Hải
Ngày tháng năm sinh: 2/10/1970
Giới tính: Nữ
Quốc tịch: Việt Nam
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Không
Quê quán: Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội
Nơi ở hiện nay: số nhà 32, phố Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Trung Trực, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội
Trình độ giáo dục phổ thông: 12/12
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Sư phạm chuyên ngành Vật lý
Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý
Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp
Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh trình độ C
Nghề nghiệp chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Nơi công tác: Tỉnh ủy Thái Nguyên
Ngày vào Đảng: 7/10/2002
Là đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016; khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021
Ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3: gồm T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình.

PV: Thưa ứng cử viên! Được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử đã nhiều nhiệm kỳ, vậy đối với nhiệm kỳ này bà có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình khi tiếp tục được cử tri tín nhiệm giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội.

Bà Nguyễn Thanh Hải: Có thể nói, mặc dù đã có 10 năm kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, XIV, nhưng đối với tôi, tiếp tục được cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú tín nhiệm và các cấp lựa chọn để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV lần này vẫn là rất mới và có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tôi, vì đây là lần đầu tiên tôi ứng cử trên vai trò là một Bí thư Tỉnh ủy.

Tôi nhận thức được rằng, việc thực hiện ba nhiệm vụ của đại biểu dân cử, cụ thể là trong công tác lập pháp, trong công tác giám sát và trong công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cần phải được hòa quyện, thống nhất và bổ sung cho việc thực hiện các trọng trách trên vai trò là một người đứng đầu của tỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Với nhận thức như vậy, tôi nhận thấy đây là một vinh dự rất là to lớn nhưng cũng là trọng trách hết sức nặng nề. Và tôi sẽ toàn tâm toàn ý, cố gắng để hoàn thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó; để mang tới sự hài lòng cho người dân, mang tới sự phát triển vì một tỉnh Thái Nguyên giàu có và phồn thịnh đúng như mong muốn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh ta vào năm 1964.

PV: Vâng! Một vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đó là với nhiều cương vị, nhiều trọng trách, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy tỉnh Thái Nguyên, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, chương trình hành động của bà sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm gì?

Bà Nguyễn Thanh Hải: Như trên tôi đã đề cập, trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, lại được giới thiệu ứng cử là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi xin trân trọng báo cáo với các cử tri về chương trình hành động của tôi tập trung tới những nhóm vấn đề chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Tôi cần tập trung nghiên cứu và thẳng thắn bày tỏ những quan điểm trong công tác xây dựng pháp luật, sao cho pháp luật phải có hơi thở cuộc sống, phải mang tiếng nói của thực tiễn. Và đặc biệt phải tập trung chỉ đạo nhanh chóng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cơ chế chính sách riêng đặc thù của tỉnh để làm căn cứ, làm định hướng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời phải có những chủ trương, chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư đảm bảo cho mọi doanh nghiệp có năng lực, có kinh nghiệm và có sự quan tâm tới tỉnh Thái Nguyên đều được các cấp, các ngành trong tỉnh chào đón và tạo điều kiện một cách tốt nhất. Đồng thời cần phải tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh và với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế như công nghiệp, điện tử, cơ khí chế tạo máy và chế biến khoáng sản cũng như nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường. Với mục tiêu đưa tỉnh Thái Nguyên không những chỉ là một trung tâm về kinh tế, công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc mà còn phải là của cả vùng Thủ đô vào năm 2030.

Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng nữa đó là cần lấy thành tựu, kết quả phát triển của các địa phương thuộc khu vực phía Nam của tỉnh để bù đắp, đầu tư cho các đơn vị ở khu vực phía Bắc trong phát triển nông nghiệp cũng như là phát triển du lịch, qua đó từng bước giảm khoảng cách giàu nghèo của người dân ở các địa bàn. Phải thực hiện tốt về công tác an sinh xã hội cũng như chăm lo cho gia đình chính sách, cho người có công, người cao tuổi, nâng cao toàn diện đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hướng tới xây dựng một đời sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.

Thứ hai: Trong chương trình hành động của tôi cần phải tiếp tục thực hiện tiếp công dân theo quy định. Dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri để chuyển đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Và cũng trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác tiếp công dân theo đúng quy định, giải quyết những sự việc khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở.

Cùng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như là các nghị quyết của Quốc hội và những vấn đề mà cử tri quan tâm về y tế, về giáo dục, về phòng chống tham nhũng, về phòng chống thiên tai cũng như là về tai nạn giao thông.

Thứ ba: Cùng với lãnh đạo các địa phương nơi ứng cử tập trung tìm các giải pháp phù hợp để tháo gỡ đối với những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương liên quan tới việc thu hồi đất; tới vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư. Cần phải cương quyết xử lý đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, sai quy định pháp luật và xây dựng trái phép; các vấn đề liên quan tới quy hoạch treo; vấn đề ô nhiễm môi trường khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép cũng cần được xử lý một cách triệt để.

Thứ tư: Bản thân là một cán bộ lãnh đạo nữ, tôi sẽ tích cực tham gia xây dựng các chính sách để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, của trẻ em và đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới. Đồng thời, thường xuyên giám sát, kiến nghị, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động tại các khu công nghiệp nói chung, lao động nữ tại các khu công nghiệp của tỉnh. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc phát hiện, bồi dưỡng cũng như quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ.

Thứ năm: Cần tập trung quan tâm tìm giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao chất lượng đào tạo về ngoại ngữ, về đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông. Cần phải quan tâm tới vấn đề đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là cần phải tạo việc làm cho khu vực dân cư mà có đất đai bị thu hồi để phục vụ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu mọi doanh nghiệp có dự án đầu tư vào tỉnh cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương để qua đó để tạo việc làm và ổn định đời sống cho bà con.

Thứ sáu: Cần đẩy mạnh cải cách hành chính chuyển đổi số để nâng cao chất lượng như hiệu quả trong phục vụ của các cơ quan hành chính các cấp đối với người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có năng lực, có uy tín và đặc biệt phải có đạo đức công vụ, phải lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu hướng tới trong mọi chỉ đạo điều hành, trong tiêu chí để đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, của công chức.

Rất đáng mừng, rất vui trong thời gian vừa qua, đánh giá về sự hài lòng của người dân trong năm 2020, tỉnh Thái Nguyên có sự tiến bộ vượt bậc, đó là các chỉ số Papi đứng thứ ba trên toàn quốc. Trên đây là những nội dung chính trong chương trình hành động của tôi, nếu được các bậc cử tri tín nhiệm bầu và trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân khóa XIV của tỉnh ta, tôi xin cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chương trình hành động đã báo cáo trước cử tri, kính mong các bậc cử tri sẽ tiếp tục quan tâm, góp ý đối với tôi trên cương vị là một đại biểu dân cử trong thời gian tới.

PV: Xin được cảm ơn bà đã tham gia chương trình!

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/ung-cu-vien-pho-giao-su-tien-si-nguyen-thanh-hai-uy-vien-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-truong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thai-nguyen-285314-97.html