Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung truyền thông
Ngày 29/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp với Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức hội thảo 'Ứng dụng công nghệ Al trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông'.
Hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu, đánh giá và hiểu thêm về AI trong quá trình phổ biến kiến thức, truyền thông trong khoa học và trên truyền hình, báo chí.
Phát biểu khai mạc định hướng nội dung hội thảo, ông Phạm Quang Thao cho biết: Đất nước chúng ta đang bước sang một kỷ nguyên mới với nhiều sự thay đổi, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng ở mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có lĩnh vực truyền thông. Do vậy, thông qua hội thảo, ông mong muốn sẽ tìm hiểu được những khái niệm, vai trò của trí tuệ nhân tạo nhằm phát triển khoa học - công nghệ, sau đó áp dụng vào những nội dung báo chí, truyền thông và có thể áp dụng AI ở mức độ nào thông qua thực tiễn cùng với việc tương lai phát triển của AI ra sao trong giai đoạn tới.
Mở đầu phiên thảo luận tại hội thảo, ông Hoàng Nguyên Vân đã chỉ ra được việc truyền thông là một lĩnh vực rất cần thiết khi ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, thiết kế nội dung và đồng thời cải thiện, rút gọn được nhiều quy trình trong lĩnh vực truyền thông. Thông qua phần trình bày của mình, ông đưa ra được tầm quan trọng của AI khi công nghệ này giúp tăng hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian với việc ứng dụng công nghệ AI vào trong sản xuất, thiết kế nội dung truyền thông như tự động viết văn bản, hỗ trợ thiết kế nội dung đồ họa, video sản phẩm báo chí, thông dịch nhiều ngôn ngữ...
Ngoài ra còn giảm chi phí quản trị, vận hành khi đưa ra những ví dụ như ứng dụng AI hoàn chỉnh từ xây dựng đến phân phối nội dung; ứng dụng Gen AI để sản xuất nội dung đến độc giả theo yêu cầu...
Tại hội thảo, ông Phan Văn Kiền khẳng định không nên tuyệt đối hóa về AI. Công nghệ này chưa thể thay thế hoàn toàn cho con người và đối với ứng dụng trong báo chí, truyền thông thì chỉ là phương tiện truyền tải hay đồng sáng tạo nội dung chứ không thể thay thế các phóng viên, nhà báo.
TS. Phan Văn Kiền cho biết trong bối cảnh hiện nay diễn ra hiện tượng người dân "từ chối" tiếp nhận thông tin vì việc quá nhiều nội dung nhưng chất lượng lại không tốt, dẫn tới nhiều độc giả nghi ngờ về nội dung, giảm uy tín của nhiều sản phẩm báo chí, gây ảnh hưởng đến báo chí, truyền thông. Đồng thời hiện nay, xu hướng độc giả lại thích những thông tin "ngược chiều", tiêu cực, dẫn tới việc nhiều tin tức giả mạo, giật gân, câu khách... đòi hỏi các phóng viên, người làm truyền thông phải cải thiện chất lượng nội dung thông tin.
Nhằm cải thiện vấn đề này, ông Phan Văn Kiền đưa ra nhiệm vụ đó là cần phải khiến những tin tức mất ít thời gian tiếp nhận nhưng vẫn nhận được nhiều thông tin; cung cấp thông tin hữu ích, có tính phản biện và hướng dẫn công chúng rõ ràng. Và công nghệ AI sẽ giúp những nhiệm vụ đó trở nên dễ thực hiện hơn khi áp dụng AI để làm đa dạng hóa các hình thức truyền tải như video, infographic, podcast... hay để biên tập, cá nhân hóa nội dung.
Trong phần trình bày, Ths. Đoàn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh AI tạo sinh là một xu thế ngày nay với việc AI tạo sinh có thể lên ý tưởng, sáng tạo nội dung, phân tích - tổng hợp, chatbox và trợ lý ảo trong làm văn bản nội dung; chỉnh sửa hình ảnh; xây dựng và chỉnh sửa video cùng nhiều hiệu ứng, phiên dịch - điều chỉnh giọng nói.
Sau đó, các phần trình bày nội dung về AI được các diễn giả, đại biểu trình bày với nhiều nội dung nhưng đều có điểm chung là chỉ ra được vai trò của AI trong việc cải thiện hiệu quả và tốc độ xây dựng nội dung phổ biến kiến thức trong khoa học - công nghệ cùng việc sản xuất tin tức và video tự động đối với ngành truyền thông nhưng bên cạnh đó là những rủi ro tiềm ẩn khi ứng dụng AI có thể tạo ra nhiều nội dung không chính xác từ những người sáng tạo nội dung.