Ứng phó bão số 3: Hải Phòng không còn tàu chưa liên lạc được, tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm

Đến thời điểm 13 giờ ngày 20/7, công tác chuẩn bị phòng chống bão số 3 của thành phố Hải Phòng đã được triển khai tới các cơ quan, xã, phường và đặc khu của thành phố. Thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để chỉ đạo thống nhất tới các địa phương của thành phố cùng phòng chống bão đạt hiệu quả cao.

Hải Phòng cắt tỉa cây trên nhiều tuyến phố để phòng chống bão số 3 (Wipha). Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Hải Phòng cắt tỉa cây trên nhiều tuyến phố để phòng chống bão số 3 (Wipha). Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, đến 18h ngày 19/7, thành phố Hải Phòng đã tổ chức triển khai các phương án, kịch bản ứng phó với bão số 3. Tại các xã, phường, đặc khu của thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai ở mỗi địa phương. Để chủ động phòng chống bão, thành phố yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thông tin kịp thời cho tàu thuyền, lồng bè để biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Đối với những địa phương giáp biển cần quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, lồng bè nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, rà soát và có phương án sơ tán người dân, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, lồng bè tại các vùng ven biển.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đến nay thành phố đã thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện với 4.668 lao động vào nơi tránh trú an toàn, cảnh báo gần 9.900 lồng bè và hơn 16 nghìn khách du lịch tại Cát Bà; trong đó, có khoảng 2.500 khách quốc tế. Đến nay, toàn thành phố không còn tàu chưa liên lạc được và không có tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tại vùng nước cảng biển Hải Phòng hiện có 71 phương tiện với 690 thuyền viên đã được neo đậu an toàn.

Tại 114 xã, phường, đặc khu ở thành phố đã chủ động xây dựng phương án sơ tán dân ở vùng ven sông, ven biển, trũng thấp và triển khai theo phương châm "bốn tại chỗ". Với mỗi địa phương đã thiết lập nhóm Zalo kết nối trực tiếp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các sở, ngành để đảm bảo chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Thành phố cũng đã tổ chức rà soát, kiểm tra 180 khu chung cư cũ xuống cấp, trong đó 59 chung cư cấp độ D (cấp nguy hiểm), chỉ đạo và hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, đảm bảo hạn chế tối đa gãy đổ làm cản trở giao thông và bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện, các công trình đang xây dựng.

Thống kê cho thấy, toàn thành phố có 7 nghìn hộ với 20 nghìn người dân tại các khu vực nguy hiểm, tại các chòi canh trên các lồng bè thủy sản và trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu cần di dời khi có tình huống. Tại các nơi sơ tán dân thành phố yêu cầu địa phương có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tránh bão. Đến nay, thành phố Hải Phòng đã dự trữ tại chỗ hơn 1,1 triệu bao tải, 165 nghìn mét bạt, 47 nghìn kg dây thép và nhiều vật tư thiết yếu khác với khoảng 56 nghìn người sẵn sàng huy động ứng trực khi có yêu cầu.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Lê Ngọc Châu họp cùng các xã, phường, đặc khu và các ngành triển khai phòng chống bão số 3 (Wipha). Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Lê Ngọc Châu họp cùng các xã, phường, đặc khu và các ngành triển khai phòng chống bão số 3 (Wipha). Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Chiều 20/7, tại cuộc họp trực tuyến với các phường, xã, đặc khu, các sở, ngành, đơn vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương không được chủ quan với bão số 3. Các địa phương cần có phương án phòng chống bão trước, trong và sau cơn bão để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Thành phố thực hiện với phương châm "bốn tại chỗ" là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ để kịp thời xử lý những sự cố xảy ra.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định trong phòng chống bão, lũ sức khỏe, tính mạng người dân phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời bảo vệ tài sản của nhà nước, người dân, và doanh nghiệp cũng cần được bảo vệ. Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân để người dân không chủ quan trong phòng chống bão. Đối với lực lượng công an, quân đội cần chuẩn bị phương án, phương tiện ứng trực 24/24h để phòng chống bão hiệu quả. Đặc biệt với những khó khăn ngoài khả năng giải quyết của địa phương cần báo cáo ngay về thành phố để có phương án hỗ trợ khi có tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu tác hại của bão.

Tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, thành phố kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão. Các địa phương cần xử lý nghiêm các chủ phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ quy định trong công tác phòng chống bão lũ. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong bão, lũ.

Tiến Vĩnh - Hoàng Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ung-pho-bao-so-3-hai-phong-khong-con-tau-chua-lien-lac-duoc-tau-hoat-dong-trong-vung-nguy-hiem-20250720140730191.htm