Ưu đãi cho doanh nghiệp FDI vẫn còn một số bất cập

Dù các doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi khi đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt, vừa qua đã có Luật quy định cụ thể về ưu đãi cho nhà đầu tư FDI, song vẫn có một số bất cập.

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút khoảng 36 - 38 tỷ USD vốn FDI, tăng 30% - 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 3 yếu tố quan trọng giúp dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ, đó là kết quả tăng trưởng GDP trong năm 2023 ấn tượng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

 FDI được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2023. (Ảnh: VV)

FDI được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2023. (Ảnh: VV)

Tuy nhiên, trong Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm 2023, ông Trần Anh Đức, trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại cho rằng: Dù các doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi khi đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt, vừa qua đã có Luật quy định cụ thể về ưu đãi cho nhà đầu tư FDI, song vẫn có một số bất cập.

Ông Đức cho biết, trong một số trường hợp khi nhà đầu tư nước ngoài xin cấp ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chần chừ trong việc cấp các ưu đãi đó ngay cả cho các công ty hàng đầu trong ngành do thận trọng quá mức trong việc công nhận các điều kiện hưởng ưu đãi.

“Với tình hình như vậy, có rủi ro các luật và quy định về ưu đãi sẽ không thể đạt được mục đích đề ra ban đầu. Ngoài ra, trước đây cũng đã có trường hợp các ưu đãi dành cho nhà đầu tư bị ảnh hưởng bất lợi do việc sửa đổi luật và quy định”, ông Đức nói.

Do đó, ông Đức cho rằng, các luật và quy định về ưu đãi cho nhà đầu tư cần mô tả rõ ràng và chi tiết về các điều kiện hưởng ưu đãi để cơ quan có thẩm quyền không ngần ngại cấp ưu đãi.

Đồng thời, các ưu đãi đã cấp và/hoặc tư cách pháp nhân của nhà đầu tư sẽ không bị hủy bỏ cho thời gian trước đó cũng như trong tương lai trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc thời gian hiệu lực của luật do những thay đổi về quy định hoặc chính sách sau khi cấp ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư sẽ tiếp tục được hưởng theo các điều kiện tại thời điểm cấp ưu đãi.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để tiếp tục thu hút thêm dòng vốn FDI, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

 Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. (Ảnh: SS)

Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. (Ảnh: SS)

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút từ 36 - 38 tỷ USD vốn FDI, đây vừa là kỳ vọng vừa là thách thức.

Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI cần hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao có khả năng tạo lập chuỗi sản xuất cho doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta không cố gắng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, cần lựa chọn những dự án đầu tư có hiệu quả, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, đem lại giá trị gia tăng. Người lao động cũng được hưởng lợi trong bối cảnh chúng ta có thể thu hút nhiều nguồn đầu tư như vậy. Các dự án phát triển bền vững, môi trường hay sáng tạo là các điểm cần được ưu tiên”, bà Thảo nói.

Theo vị chuyên gia của CIEM, nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Đặc biệt, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy, kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm, phòng ngừa, cảnh báo, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uu-dai-cho-doanh-nghiep-fdi-van-con-mot-so-bat-cap-post239718.html