Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer

Hiện các tỉnh khu vực phía Nam của Việt Nam có trên 1,3 triệu người Khmer, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Mekong. Để hỗ trợ bà con Khmer ổn định cuộc sống, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở các tỉnh, thành Nam Bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã không ngừng được nâng lên, có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình chị Thạch Thị Sa Vết (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình chị Thạch Thị Sa Vết (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) đã vươn lên thoát nghèo.

Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện

Trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai các công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ và cộng đồng; xây dựng gần 100 nghìn ngôi nhà, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho hơn 30.000 hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động...

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer chỉ còn khoảng 25%, giảm 3%/năm. Từ năm 2007 - 2019, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân ở các địa phương có đông người Khmer đã tăng từ 9% - 11,7%/năm. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có sự phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào, Nhà nước còn có nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên dân tộc Khmer như cử tuyển, dự bị đại học, học bổng, miễn giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác trong vùng sâu, vùng xa của đồng bào được thực hiện có hiệu quả.

Hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho con em đồng bào Khmer đã phát triển đến 100% các huyện có đông đồng bào Khmer; tỷ lệ trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%.

Tính đến cuối năm 2018, toàn vùng có 30 trường phổ thông dân tộc nội trú ở cấp huyện, tỉnh. Việc dạy song ngữ ở các trường học vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được mở rộng. Các tỉnh có đông đồng bào Khmer hiện đã có hàng trăm trường dạy song ngữ, riêng tỉnh Sóc Trăng có 158 trường, với 1.672 lớp và 42.988 học sinh.

Công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào Khmer luôn được các cấp chính quyền chú trọng; Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%. Mỗi năm, có trên 70.000 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.

Bên cạnh đó, các địa phương có đông đồng bào Khmer đã tăng thời lượng phát thanh các chương trình bằng tiếng Khmer, phát hành báo chữ Khmer, song ngữ Việt-Khmer như báo ảnh Dân tộc và Miền núi của Thông tấn xã Việt Nam.

Một số tỉnh đã xây dựng nhà truyền thống dân tộc Khmer. Riêng tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng xây dựng được nhà bảo tàng dân tộc Khmer, sưu tầm, trưng bày nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị.

Các di tích lịch sử văn hóa của đồng bào Khmer được quan tâm đầu tư tu bổ. Mạng lưới truyền thanh đã tới 100% thôn, ấp; Internet đã được phát triển ở nhiều nơi, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận nhiều thông tin.

Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98% như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, nhiều tỉnh đạt 100% như Kiên Giang, Cần Thơ.

Chính sách đoàn kết các tôn giáo phát triển ổn định

Nói đến dân tộc Khmer là nói đến Phật giáo Nam tông. Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, chùa không chỉ là “trái tim” của phum sóc, mà còn là trung tâm văn hóa, trường học, nơi đào tạo nghề, là cơ sở từ thiện xã hội giúp đỡ những người khó khăn, trẻ mồ côi...

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết tại các tỉnh thành phía Nam của Việt Nam hiện có trên 460 ngôi chùa Khmer với khoảng 10.000 sư sãi, chiếm 25% số tăng, ni Phật giáo ở Việt Nam.

Trong số đó, 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh, ghi công, khen thưởng 150 chùa có công với cách mạng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với chính sách đoàn kết các tôn giáo, dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những bước phát triển ổn định, đúng hướng tạo niềm tin của sư sãi và tín đồ đối với Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, Phật giáo Nam tông được chính quyền các địa phương tại Việt Nam tạo điều kiện phát triển mô hình giáo dục nhà chùa, mở nhiều lớp dạy giáo lý, Anh ngữ, tin học; mở các trường đào tạo bậc sơ cấp Pali, trung cấp Pali tại địa phương và bậc cao cấp ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, hình thành một hệ thống giáo dục Phật giáo khá hoàn thiện.

Ngoài ra, nhà chùa còn là bảo tàng văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật, nơi lưu trữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Khmer. Đồng bào Khmer Nam Bộ có nhiều lễ hội truyền thống, hầu hết gắn liền hoặc có liên quan đến Phật giáo như vào năm mới, cúng ông bà, Ok om bok, Phật Đản, dâng y, nhập hạ, xuất hạ...

Những nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán với những giá trị văn hóa tốt đẹp này luôn được đồng bào Khmer gìn giữ và phát huy, tổ chức đều đặn hằng năm. Các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước ngày càng đa dạng, sâu rộng, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer Nam Bộ. Thông qua các chính sách này, hệ thống các chùa chiền được trùng tu, xây mới ở nhiều nơi, các phong tục tập quán, tín ngưỡng… của đồng bào Khmer Nam Bộ được bảo tồn, phát huy và phát triển.

Hà Linh (t.h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uu-tien-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-106348.html