Ủy ban Pháp luật tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 26

Sáng 26.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành đợt 2 của Phiên họp toàn thể lần thứ 26.

Tham dự có Thường trực và các thành viên Ủy ban Pháp luật; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các Tờ trình và Đề án của Chính phủ về: việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long; việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Xác định kỹ lưỡng thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết

Trình bày các Báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh thì không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 77 đơn vị hành chính cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại phiên họp

Cụ thể, Bắc Giang không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (10 đơn vị) nhưng có tăng 1 thị xã, giảm 1 huyện; giảm 17 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 32 xã, giảm 1 thị trấn, tăng 16 phường).

Đắk Lắk giảm 4 đơn vị hành chính cấp xã (2 xã, 2 phường). Đồng Nai giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã (4 xã, 7 phường). Gia Lai giảm 2 xã.

Khánh Hòa giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã (2 xã, 5 phường). Lào Cai giảm 1 xã. Quảng Ninh không thay đổi số đơn vị hành chính cấp huyện (13 đơn vị), nhưng có tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã; giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 7 xã, tăng 1 phường).

Thái Bình giảm 18 xã. Tiền Giang giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã (3 xã, 3 phường). Vĩnh Long giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã (4 xã, 1 phường).

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng nêu rõ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã bảo đảm đạt đủ 5 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo Đề án, tiến hành thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề nghị về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và các phương án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại 11 tỉnh như Chính phủ đã trình. Hồ sơ các Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo thêm về lý do chưa thực hiện sắp xếp đối với các xã Phú Sơn, Thủy Tân và mối liên hệ của việc chưa sắp xếp với việc bảo đảm các tiêu chuẩn về đô thị của thị xã Hương Thủy; cập nhật số liệu diện tích tự nhiên của thành phố Huế dự kiến thành lập khi trình Quốc hội xem xét, quyết định; rà soát lại các số liệu về diện tích tự nhiên của một số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc để bảo đảm tính chính xác giữa hồ sơ Đề án với Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27.4.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự thảo các Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý cách hành văn trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất. Đồng thời, đề nghị xác định kỹ lưỡng thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương

Trình bày Tờ trình về đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị quyết đề xuất các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo hướng tinh gọn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tính chất của thành phố Hải Phòng là đô thị lớn của cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo; đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp theo 2 hướng chính.

Thứ nhất, quy định rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng, quận, thành phố thuộc thành phố và phường khi tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận và HĐND phường).

Thứ hai, đề xuất các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong mô hình chính quyền đô thị.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024; quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp.

Các ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy tiềm năng, lợi thế và những kết quả mà địa phương đã đạt được. Hồ sơ đề nghị của Chính phủ bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, nội dung các chính sách trong dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã rõ, có cơ sở thực tiễn do đã được Quốc hội thảo luận, đánh giá khi xem xét, thông qua Luật Thủ đô và các Nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng nên việc đề xuất xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại 1 kỳ họp Quốc hội là phù hợp và có cơ sở.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng để xây dựng các quy định trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-phap-luat-tiep-tuc-phien-hop-toan-the-lan-thu-26-post391486.html