Vẫn còn nhiều bất ổn sau khi Mỹ – Trung tạm đình chiến thuế quan

Thỏa thuận tạm dừng áp thuế 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt cơn tăng giá bùng nổ của chứng khoán Mỹ và đẩy giá đồng đô la Mỹ lên cao hơn.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn lo ngại, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh có thể kéo dài và khó khăn giữa lúc rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu chưa biến mất.

Kể từ ngày 14-5, thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30% còn thuế cùa Trung Quốc đối với hàng nhập từ Mỹ sẽ lùi về 10% từ mức 125%. Ảnh: Firstcoastnews.com

Kể từ ngày 14-5, thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30% còn thuế cùa Trung Quốc đối với hàng nhập từ Mỹ sẽ lùi về 10% từ mức 125%. Ảnh: Firstcoastnews.com

Sau hai ngày thảo luận với các quan chức Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), hôm 12-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thông báo, hai bên đã nhất trí hoãn phần lớn mức thuế mới trong 90 ngày.

Cụ thể, thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30% kể từ ngày 14-5, còn thuế cùa Trung Quốc đối với hàng nhập từ Mỹ sẽ lùi về 10% từ mức 125%. Hai bên cũng nhất trí thiết lập một cơ chế để tiếp tục đàm phán các bất đồng thương mại.

Thông tin tích cực này đã đẩy giá đô la tăng hơn 1% so với một rổ ngoại tệ lớn, khi đồng yen Nhật Bản và đồng franc Thụy Sĩ cùng với các tài sản trú ẩn an toàn khác như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ giảm giá.

Trong phiên giao dịch hôm 11-5, thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ, với chỉ số chuẩn S&P 500 tăng 3,3%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng hơn 4%.

“Đây là một đợt tăng giá nhờ nhà đầu tư trút nỗi lo về thuế quan. Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng đưa thuế quan về 0% nhưng kịch bản tồi tệ nhất với thuế quan trên 100% giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn khả năng xảy ra”, John Praveen, giám đốc đầu tư của công ty đầu tư tài chính Paleo Leon bình luận.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn thận trọng vì chưa rõ trong đàm phán sắp tới, Mỹ và Trung Quốc có dàn xếp được một thỏa thuận thương mại lâu dài hay không. Ngoài ra, thuế quan cao hơn giữa Mỹ và Trung Quốc so với trước khi ông Trump nhậm chức vẫn có thể gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

“90 ngày tới vẫn là thời gian bất ổn”, Charles Wang, chủ tịch của Shenzhen Dragon Pacific Capital Management nói khi ám chỉ sự không chắc chắn về quá trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian hoãn áp thuế.

Luật sư Kelly Ann Shaw, người từng là cố vấn thương mại chủ chốt trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 của ông Trump nhận định, 90 ngày là thời gian quá ngắn để giải quyết những lo ngại lớn của Mỹ về các rào cản phi thuế quan cũng như vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Michael Metcalfe, giám đốc chiến lược vĩ mô của State Street Global Markets cho biết về cơ bản, Mỹ đã rút lại thuế đối ứng nhằm vào Trung Quốc và cả hai bên trở lại vạch xuất phát.

Các đòn áp thuế cao hơn 100% kể từ đầu tháng Tư đã khiến thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như đình trệ, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm dấy lên lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể sụp đổ. Sự bất ổn gia tăng về chính sách thương mại đã gây tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

“Các công ty vẫn khó đưa ra quyết định về chi tiêu. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt như thể rủi ro đã biến mất. Nhưng tôi không nghĩ rằng, nhiều doanh nghiệp sẽ nhìn nhận tình hình theo cách đó”, Patrick Kaser, giám đốc danh mục đầu tư của công ty quản lý đầu tư Brandywine Global (Mỹ) nói.

Có những dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Trump có thể đang xem xét lại chiến lược thương mại khi các chỉ số kinh tế của Mỹ suy yếu và Cục Dự trữ liên bang (Fed) cảnh báo về rủi ro tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng.

Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh hồi tuần trước, cùng với những cam kết tích cực về việc giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ từ Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc đã giúp nhà đầu tư lấy lại phần nào niềm tin.

Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á của Capital Economics nhận xét, thỏa thuận hoãn áp thuế là một sự thoái lui đáng kể khác khỏi lập trường thương mạo cứng rắn của của chính quyền Tổng thống Trump vì không kèm theo bất kỳ cam kết nào của Bắc Kinh về việc giải quyết tình trạng thao túng tiền tệ hoặc thâm hụt thương mại. Ông cũng lưu ý, không có gì đảm bảo rằng thời gian 90 ngày tới sẽ mở ra cho một thỏa thuận thương mại lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Jane Foley, giám đốc chiến lược ngoại hối của ngân hàng Rabobank, có nhiều quan điểm lạc quan cho rằng, thuế quan sẽ không tàn phá hoạt động kinh tế như nhiều người lo ngại nhưng điều này không có nghĩa là tình hình trở lại bình thường trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.

“Chúng ta vẫn còn khá nhiều sự bất ổn về việc các mức thuế quan mới của Mỹ sẽ áp dụng như thế nào cũng như tác động của thuế quan đối với tăng trưởng thế giới và chính sách của các ngân hàng trung ương”, Jane Foley nói.

Metcalfe của State Street Global Markets cho biết, mối quan tâm của nhà đầu tư có thể chuyển từ thương mại sang các vấn đề khác. Ví dụ, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump sẽ tác động như thế nào đối với mức nợ công cao của Mỹ, đặc biệt là khi doanh thu từ thuế quan giảm trong trường hợp Nhà Trắng đạt được thỏa thuận thương mại với nhiều nước để hạ thấp thuế đối ứng.

“Nếu Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại, điều này không có nghĩa là sự bất ổn về chính sách đã biến mất, mà là chuyển sang một vấn đề mới”, Metcalfe nói.

Theo Reuters, NY Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-con-nhieu-bat-on-sau-khi-my-trung-tam-dinh-chien-thue-quan/