Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển Ninh Thuận

Đến đầu tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 455 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký gần 198.000 tỷ đồng, trong đó có 321 dự án đã hoạt động với tổng nguồn vốn hơn 110.000 tỷ đồng, 58 dự án đang triển khai thi công với tổng nguồn vốn gần 54.000 tỷ đồng và 76 dự án đang hoàn tất thủ tục pháp lý.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian qua tỉnh Ninh Thuận có nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một trong những thuận lợi cơ bản để Ninh Thuận thu hút đầu tư và phát triển là Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Với 3 nhóm: Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế, chính sách về an sinh, xã hội, Nghị quyết này là một chính sách có ý nghĩa rất quan trọng để tạo thế chủ động phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Một trong những dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.

Một trong những dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính tiện giản nhất cho các nhà đầu tư, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước đối với giao đất, cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu.

Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có quy định các mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoạt động đầu tư sản xuất, nghiên cứu giống mới...

Ninh Thuận còn áp dụng chính sách ưu đãi tiền thuê đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư cho những dự án ở các khu công nghiệp. Đơn cử như nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp Phước Nam, Du Long, Cà Ná đều được miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian và được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% và được áp dụng 15 năm kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án thứ cấp.

Đánh giá về những khó khăn trong thu hút đầu tư và phát triển, ông Trương Văn Tiến thẳng thắn nhìn nhận, kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng, nên mật độ giao thông còn thấp và chỉ mới đạt 50% so với bình quân của cả nước. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng khá, nhưng thiếu bền vững, chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư còn yếu, trong khi đó nguồn thu ngân sách chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu chi…

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Ninh Thuận đang tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng liên thông kết nối cao, đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển, Logistics, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch.

Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan chức trách trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch chính sách, chủ trương, nguồn lực phát triển, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, đầu tư theo quy luật thị trường và pháp luật hiện hành. Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngoài những giải pháp nêu trên, tỉnh Ninh Thuận tăng cường năng lực đào tạo nghề theo tiêu chuẩn các nước trong khu vực; liên kết các cơ sở uy tín trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá và ưu tiên đầu tư phát triển các ngành kinh tế năng lượng tái tạo, điện khí, cảng biển… với sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán các quốc gia tại Việt Nam để tạo ra sự bức phá tăng trưởng nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận chú trọng tăng cường đối thoại, gặp gỡ giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Trương Văn Tiến chia sẻ thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/van-dung-co-che-dac-thu-de-phat-trien-ninh-thuan-i709320/