Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp toàn diện
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp vào thực tiễn và luôn khẳng định nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp là nội dung quan trọng trong toàn bộ di sản của Người. Người viết: “Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Theo Người, muốn nền nông nghiệp, nông thôn thoát khỏi độc canh, lạc hậu, sản xuất manh mún thì vấn đề chiến lược lâu dài phải thực hiện công nghiệp hóa, phải đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn. Người chỉ rõ: “Để giải quyết tốt vấn đề ăn thì sản xuất lương thực phải dồi dào. Muốn như vậy thì công nghiệp phải cho nông nghiệp có nhiều máy làm thủy lợi, máy cày, máy bừa, nhiều phân hóa học”.
Tại hội nghị tổng kết Cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp phía Bắc, Người nhấn mạnh: “Sản xuất phải toàn diện, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi”. Theo Người, phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện. Vì chỉ có phát triển nền nông nghiệp toàn diện mới khai thác một cách có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đa dạng của sản xuất cũng như tiêu dùng.
Khi về thăm đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác chỉ rõ con đường phát triển kinh tế cho Thanh Hóa, đó là phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Bác nói: “Nước ta là nước nông nghiệp giống như Trung Quốc, Triều Tiên. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Người chỉ rõ, kinh tế Thanh Hóa muốn “phát triển mạnh được” thì phải “Làm sao phát triển nền nông nghiệp toàn diện”. Bác ngợi khen những chiến sỹ xuất sắc trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, hiến kế phát triển nền nông nghiệp toàn diện như: đồng chí Trịnh Xuân Bái, Nguyễn Thế Khương, “đó là những người con ưu tú của Tổ quốc, của tỉnh nhà, là những người xung phong cho Nhân dân ta noi theo”.
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp toàn diện vào thực tiễn và luôn khẳng định nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường”.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, nhất là việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU “Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững”; Nghị quyết số 13-NQ/TU “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 622-QĐ/TU về chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Quyết định số 3416/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã nỗ lực rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tiễn, rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất tập trung, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, chuẩn bị các loại cây trồng, vật nuôi ở các lĩnh vực sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng sàn giao dịch nông sản, kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông sản, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; xây dựng, thiết lập mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu cho nông, lâm sản; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm cụ thể hóa nguồn lực phát triển nông nghiệp, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo để cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Tỉnh xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; hợp tác với các trường học, viện, học viện, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu; tham gia các hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đang có triển vọng, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực; triển khai tích cực, hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã thu được nhiều thành tựu lớn. Sản xuất nông nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt hơn 3,4%, quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 36.738 tỷ đồng, tăng 3.667 tỷ đồng so với năm 2020.
Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt gần 7.800ha, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khâu làm đất đạt 96,8%, gieo trồng đạt 29%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 75%, thu hoạch đạt 86%. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 - 15%; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; các sản phẩm chủ lực có bước phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi, hình thành chuỗi hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm mía đường, sắn nguyên liệu; chuỗi liên kết sản xuất gai xanh, lúa giống, lúa thương phẩm, lúa hữu cơ, khoai tây, ớt, ngô ngọt và các loại rau, quả thực phẩm.
Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng, đã xây dựng được các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao, tiêu biểu như: Lúa - Cá đạt tiêu chuẩn VietGAP (200ha) tại huyện Hà Trung; Lúa - Rươi (13ha) tại huyện Quảng Xương và huyện Nông Cống; Bưởi hữu cơ tại huyện Yên Định; Rau hữu cơ tại huyện Đông Sơn... Phát triển một số sản phẩm đặc sản, như: Lúa nếp hạt cau (830ha) tại các huyện: Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc và Hà Trung; Nếp cái hoa vàng (220 ha) tại huyện Hà Trung... Xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (6.900ha) tại huyện Yên Định và huyện Thiệu Hóa. Hầu hết các mô hình được xây dựng theo hướng truyền thống kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, như: Sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý các chất thải thành thức ăn chăn nuôi và dinh dưỡng cho cây trồng...
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Đã hình thành các chuỗi liên kết giá trị; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các sản phẩm lợi thế phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, nhiều dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh: vùng chăn nuôi bò sữa 15.000 con, lợn hướng nạc 550.000 con, bò thịt chất lượng cao 70.000 con, Gà lông màu 8 triệu con...
Nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư, khởi công dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư của tỉnh.
Để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, hoàn thành thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, 1 trong 6 Chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.