Vân Hồ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Vân Hồ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025, đưa huyện Vân Hồ thoát khỏi huyện nghèo.

Sau gần 2 năm triển khai Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị tư vấn, khoa học tập trung nghiên cứu chọn lọc giống lúa địa phương chất lượng cao; xây dựng các mô hình, dự án thử nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm; xây dựng thương hiệu một số nông sản chủ lực của huyện. Phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn; quy hoạch bảo tồn nguồn gen cây dược liệu gắn với phát triển du lịch.

Thu hoạch chè bằng máy tại đồi chè Nhật, xã Vân Hồ.

Thu hoạch chè bằng máy tại đồi chè Nhật, xã Vân Hồ.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã, với tổng diện tích là 115 ha; nhân rộng các mô hình hiệu quả, như: Trồng cam vinh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, xoài GL4... với tổng diện tích 256 ha. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số loại cây ăn quả; ghép cải tạo vườn tạp; trồng cây ăn quả tập trung trên đất dốc theo hướng liên kết, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tạo các vùng sản xuất quy mô, sản suất hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm như quýt Pà Puộc Chiềng Yên; lúa tẻ râu Song Khủa; cam, xoài Chiềng Xuân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 15 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau, dâu tây, hoa công nghệ cao, với hơn 20.400 m²; 10 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, với 7,1 ha; hơn 82 ha cây ăn quả và rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Có 6 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Trong quá trình triển khai, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc huyện Vân Hồ đã nỗ lực từng bước thực hiện mục tiêu về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra. Ông Tráng A Cao, Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, là người tiên phong trong phát triển kinh tế, đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bón phân tự động cho hơn 1,5 ha cam, quýt và 2 nhà lưới 600 m² trồng các loại rau. Sau hơn 2 năm trồng rau bắp cải trong nhà lưới hiệu quả hơn hẳn trồng rau ở ngoài trời, trung bình mỗi năm, gia đình thu lãi trên 250 triệu đồng từ trồng rau và cây ăn quả.

Ông Tráng A Cao chia sẻ: Để thay đổi tập quán sản xuất của bà con là điều không dễ, bởi đã là thói quen của đồng bào, phải có những người “tiên phong” làm trước, đạt hiệu quả để người dân nhìn thấy, học và làm theo. Từ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của gia đình tôi, người dân trong bản Hua Tạt đã tích cực học và làm theo. Hiện cả bản có hơn 60 ha cây ăn quả, 40 ha trồng rau màu; hơn 270 con trâu, bò; bản chỉ còn 5 hộ nghèo đang được các tổ chức đoàn thể của bản giúp đỡ để thoát nghèo trong thời gian tới.

HTX hữu cơ Pa Cốp, xã Vân Hồ thành lập năm 2021, với 9 thành viên, là một trong những HTX của huyện áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hiện nay, HTX canh tác 35 ha chủ yếu là cam đường canh tại các xã Vân Hồ, Xuân Nha, Chiềng Xuân. Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX, cho biết: HTX luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Sử dụng đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ với cá, nấm tạo ra phân hữu cơ để bón cho cây cam. Trung bình mỗi ha cam đường canh đạt năng suất 15 tấn, doanh thu bình quân hơn 350 triệu đồng/ha.

Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Bí thư Huyện ủy Vân Hồ, cho biết: Đảng bộ huyện đang tiếp tục chỉ đạo phát triển quy hoạch trồng cây ăn quả tại 14/14 xã gắn với du lịch sinh thái, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung an toàn. Đồng thời, rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các xã trọng điểm để xây dựng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Với chương trình hành động cụ thể, sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp là cơ sở quan trọng để Vân Hồ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từng bước xây dựng huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây ăn quả đạt 6.200 ha, sản lượng 20.000 tấn; diện tích trồng rau đạt 1.000 ha; diện tích chè 1.500 ha, sản lượng chè búp tươi 15.000 tấn. Tổng đàn trâu, bò 45.000 con, trong đó đàn bò sữa 2.000 con; sản lượng sữa tươi đạt 6.000 tấn; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã đạt 10 tiêu chí trở lên.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/van-ho-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-50215