Văn hóa đọc ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) KIỀU THÚY NGA cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được tổ chức ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Thúc đẩy các hoạt động và phong trào đọc sách
- Triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025, các phong trào được tổ chức thực hiện ra sao, thưa bà?
- Để tiếp tục triển khai Đề án, ngày 3.6.2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 1820/BVHTTDL-TV đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định lộ trình, chỉ tiêu, nguồn lực cho các hoạt động nhằm xây dựng môi trường đọc thuận lợi trên cơ sở kiện toàn, củng cố mạng lưới thư viện, nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc đã được xây dựng; đổi mới hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến xây dựng kỹ năng thông tin cho người sử dụng, đặc biệt gắn với việc chuyển đổi số; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho phát triển văn hóa đọc.
Đề án được tiếp tục triển khai, nhiều hoạt động đã đạt được những kết quả nhất định góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Có thể khái quát ở một số điểm cơ bản, trong đó có việc ký kết các chương trình phối hợp với NXB Giao thông Vận tải, NXB Thể thao và Du lịch, NXB Phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an về phát triển văn hóa đọc.
Ngoài ra còn có cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến; tập huấn kỹ năng phát triển văn hóa đọc; các hội thảo phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt, các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức rộng khắp, phong phú, hấp dẫn và có chiều sâu. Nhiều hoạt động như: giao lưu tác giả, tác phẩm; thi vẽ tranh theo sách, đọc cảm nhận về sách, trải nghiệm kỹ năng đọc sách; khám phá thư viện số; trưng bày hình ảnh, tư liệu về các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đã thu hút hàng nghìn người thuộc đủ lứa tuổi, thành phần.
Các hoạt động trên là hình thức quảng bá sách trong đời sống xã hội, lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng đối với sách, khơi dậy tình yêu đối với sách và phát triển văn hóa đọc...
- Công tác xã hội hóa thời gian qua có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hoạt động và phong trào đọc sách, thưa bà?
- Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân chung tay cho phát triển văn hóa đọc, năm 2021 - 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình “Góp một cuốn sách, lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng Việt Nam”. Chương trình tiếp nhận hơn 4.500 cuốn sách chuyển đến các thư viện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Bên cạnh đó, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà sách, nhà xuất bản, nhà hảo tâm quyên góp sách tặng cho 22 thư viện, không gian đọc, phòng đọc, cơ sở, tủ sách của nhiều địa phương với tổng số hơn 1.000 bản sách trị giá hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, triển khai mô hình xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” tại các tỉnh, thành phố, giúp bà con vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với sách báo và nguồn tri thức cũng như các giá trị văn hóa, tinh thần.
Chú trọng kết nối cộng đồng
- Những kết quả đã nêu trên là đáng kể, tuy nhiên quá trình triển khai các hoạt động còn gặp khó khăn gì không?
- Có một bất cập là hệ thống thư viện công cộng các cấp và thư viện trường học còn nhiều khó khăn, như: nhận thức của các cấp lãnh đạo tại một số địa phương, bộ, ngành, của một số cán bộ, công chức, viên chức và của nhân dân về vai trò của văn hóa đọc chưa đúng và đầy đủ. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho thư viện còn hạn chế, đặc biệt là các thư viện cơ sở. Đầu tư cho phát triển vốn tài liệu trong các thư viện nhìn chung chưa bảo đảm.
Vẫn còn một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng biệt (như Hà Nam, Bình Phước, Đắk Nông, Lào Cai...); hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí thường xuyên để bổ sung vốn tài liệu. Tại một số nơi, cơ sở vật chất của thư viện các cấp còn nghèo nàn, chật chội. Một số thư viện vẫn thụ động, thiếu sáng tạo, đổi mới trong hoạt động, thiếu sự năng động trong kết nối đến cộng đồng, chưa cải thiện được chất lượng phục vụ.
Tình trạng trên khiến cho các hoạt động của thư viện thiếu sức hấp dẫn, không thu hút được người đọc cũng như không đáp ứng được nhu cầu đọc và học tập suốt đời của người dân trên địa bàn.
- Để khắc phục tồn tại, hạn chế như bà vừa nêu, nâng cao hiệu quả phong trào đọc trong cộng đồng, thời gian tới sẽ chú trọng những giải pháp nào?
- Phát huy những kết quả đã đạt được từ năm 2021 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động đọc sách, khơi dậy niềm đam mê sách và phong trào đọc trong cộng đồng, người dân và toàn xã hội, nhằm đạt được mục tiêu cụ thể đặt ra cũng như định hướng phát triển văn hóa đọc đến năm 2030.
Song song với đó, chú trọng hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích sáng tác, xuất bản sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng đặc biệt khác trong xã hội. Phát triển đa dạng các loại sách, đặc biệt là các hình thức sách hiện đại (sách nói, sách điện tử...) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Tăng cường giao lưu trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác.
Đẩy mạnh các hoạt động tăng cường quảng bá nguồn sách báo trong thư viện thông qua các cuộc trưng bày sách báo, hay đề nghị các địa phương nghiên cứu triển khai các mô hình đường sách, phố sách.
Mô hình đường sách, phố sách sẽ được thúc đẩy phát triển. Đây được coi là không gian văn hóa để giới thiệu các tác phẩm mới cho người dân, cũng là nơi tham quan, tìm kiếm nguồn tri thức, tác phẩm văn học, sản phẩm văn hóa.
Cũng cần tổ chức thêm các hoạt động liên quan tới quảng bá sách báo, các cuộc thi, hội sách quốc tế để mang sách Việt Nam giới thiệu, quảng bá cho chính người dân Việt Nam đang sinh sống tại các nước và bạn bè quốc tế. Qua đó, thúc đẩy sâu hơn, hiệu quả hơn văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Xin cảm ơn bà!