Văn hóa - Nghệ thuật Xem - Nghe - Đọc 'Vẫn còn nắng trên đồi' – trang văn của tình thương

'Vẫn còn nắng trên đồi' là một cách để nói điều gì đó không thể được nói theo bất kỳ cách nào khác, và chúng buộc người đọc phải dành thời gian lướt mắt trên từng từ trong câu chuyện để hiểu được ý nghĩa của nó là gì.

Khung cảnh buổi giới thiệu tập truyện ngắn “Vẫn còn nắng trên đồi” của nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh

Nhà văn Lê Trường Giang đã nhận định như thế về tập truyện ngắn “Vẫn còn nắng trên đồi” của nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh tại buổi giới thiệu tập truyện tại Tạp chí Sông Hương chiều 23/10.

Sự kiện do Hội Nhà văn tỉnh, Tạp chí Sông Hương và Hải Hạc Book Store tổ chức.

“Vẫn còn nắng trên đồi” (NXB Hội Nhà văn) bao gồm 12 truyện ngắn là 12 câu chuyện khắc họa về những mảnh đời, số phận, những ký ức mỏng manh, những sương khói tiêu diêu và tình người rực cháy và cả những thú tiêu khiển đầy phong lãm của con người xứ Huế.

Nhiều nhận định cũng đồng quan điểm với nhà văn Lê Vũ Trường Giang, rằng “Vẫn còn nắng trên đồi” chứa đầy các tính năng ngôn ngữ thâm trầm, hoang hoải và tràn trề âm thanh của ngọt ngào lẫn day dứt. Văn phong của người viết mộc mạc và bình dị, khai thác tối đa thứ ngôn ngữ gần gũi, đậm tình người.

Theo nhà văn Lê Vũ Trường Giang, bằng các thủ pháp nghệ thuật và ngôn ngữ, tác giả đã tập trung vào việc tạo ra một hiệu ứng, rồi nhân rộng, khuyếch đại qua các nhân vật, nội dung và tình huống truyện, đó chính là: “hiệu ứng yêu thương”. “Tác giả đã neo giấu tâm hồn mình trong cõi xưa, cảnh cũ, là chân quê, là đồng cảm với những phận người chìm nổi bể dâu, thương mênh mông và yêu xa vắng”, nhà văn trẻ nhận định về đồng nghiệp cũng là bậc tiền bối của mình.

Tin, ảnh: N. Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-con-nang-tren-doi-trang-van-cua-tinh-thuong-a119213.html