Văn hóa và trách nhiệm xã hội của người làm báo

Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng của người làm báo. Nó là lằn ranh để mỗi nhà báo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của người đưa tin có trách nhiệm.

Để từ đó, mỗi nhà báo tiếp tục giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của người làm báo.

Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng của người làm báo. Nó là lằn ranh để mỗi nhà báo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của người đưa tin có trách nhiệm. Để từ đó, mỗi nhà báo tiếp tục giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của người làm báo.

Đạo đức nghề nghiệp -điểm then chốt

Như các nhà báo có nhiều năm gắn bó với nghề đã nhận định, nghề báo ở bất cứ thời kỳ nào chưa bao giờ là dễ. Đây là một trong những loại lao động đặc biệt, đòi hỏi nhà báo phải luôn nỗ lực để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công chúng bạn đọc. Trong các tác phẩm báo chí, tính chiến đấu và tính nhân văn phải luôn song hành, đan hòa. Một trái tim nóng và cái đầu lạnh là điều rất cần ở người làm báo. Bên cạnh đó, cần đội ngũ người làm báo vừa vững vàng bản lĩnh chính trị, vừa tinh thông trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Ngày nay, nhà báo chân chính không chỉ dám hy sinh về quyền lợi mà thậm chí còn phải có sự đánh đổi về sức khỏe sinh mệnh chính trị để có được một thông tin giá trị vì lợi ích của Nhân dân. Người cầm bút thiếu dũng khí với cái tâm trong sáng, trách nhiệm cao, không bao giờ có được những bài báo hay, có tính phản biện bảo vệ lẽ phải, công lý. Nhà báo phải chịu trách nhiệm về những bài viết, đó vừa là trách nhiệm báo chí, vừa là trách nhiệm công dân.

Như PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định khi nói về vấn đề đạo đức nhà báo cho rằng: Tác nghiệp, đưa tin phải trong sáng. Một bài báo mà sai lầm thì tác động đến cả chục triệu người. Vì thế, nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức trong sáng, là một chiến sĩ dũng cảm… Nhà báo có tâm sáng, quyết đoán, có dũng khí thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm những vụ đặt ra, kể cả trong việc đấu tranh với những tiêu cực.

Thực tế, sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm. Một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, chỉ tìm cách câu view; nhiều tờ báo có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, hoặc có những người làm báo dùng nghề để vụ lợi. Những hành vi vi phạm đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đã dẫn đến phải xử lý ở các cấp khác nhau.

Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn hại danh dự của người làm báo chân chính mà còn làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí.

Bởi những giá trị cốt lõi nhất của đạo đức nghề nghiệp luôn gắn liền với văn hóa báo chí, do đó việc nghiêm túc trong thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Bản quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.

Xây dựng môi trường báo chí văn hóa

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan.

Đúng vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đã được phát động. Tại đây, 6 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa; 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo đã công bố.

Trong một năm qua, các cơ quan báo chí đã tiếp tục cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể, gắn với thực hiện nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam để phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sứ mệnh người cầm bút. Từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa các khâu, quy trình xuất bản, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng tác phẩm. Đặc biệt, đề cao, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, chính đội ngũ này là tấm gương sáng truyền nhiệt huyết tới các nhà báo trẻ để chung tay góp sức xây dựng môi trường văn hóa báo chí.

Khi làm rõ giá trị cốt lõi văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng: Văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng.

Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật, có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Tác phẩm báo chí nhiều khi không phải là của một cá nhân nhà báo, mà còn nhân danh một tổ chức, thậm chí là nhân danh công luận. Do đó, triển khai tốt việc “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí.

Qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-hoa-va-trach-nhiem-xa-hoi-cua-nguoi-lam-bao.html