Văn hóa Việt - Nhật trong 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'

Đã tròn một tuần kể từ khi vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản Việt - Nhật ra mắt công chúng. Sự kết hợp giữa đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã để lại nhiều tiếng vang trong lòng công chúng. Điều khiến khán giả nhớ mãi có lẽ là những sự thay đổi tích cực về cách diễn, cách tiếp cận kịch bản dù vẫn bám theo nguyên tác, góp phần mang đến một màu sắc mới lạ hơn cho vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Vở kịch dài hơn hai tiếng, công diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội vào cuối tuần qua. Dù đã từng được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ngỏ lời mời dàn dựng một tác phẩm Việt nhưng chỉ khi tìm thấy cảm xúc với kịch Lưu Quang Vũ, Sugiyama mới quyết định thử sức.

Diễn biến tác phẩm được giữ theo kịch bản gốc, phản ánh những tắc trách của giới cầm quyền, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong nội tâm con người, bi kịch "hồn nọ phải sống trong xác kia'' cùng thói đạo đức giả.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ: "Tôi muốn mang đến cho tác phẩm một hơi hướng toàn cầu để bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được cái hay của vở kịch dù ở thời đại nào. Tôi chưa từng xem các phiên bản trước của Hồn Trương Ba, da hàng thịt ở trên sân khấu kịch. Tuy nhiên dựa vào các yếu tố có sẵn ở phiên bản gốc như: người chết sống lại, các vị thần tiên thì tác phẩm đã có yếu tố thần thoại rồi. Vậy nên tôi muốn khắc họa tác phẩm theo hơi hướng trừu tượng hơn một chút: sự tàn bạo, rồi những sự tàn nhẫn của xã hội, bên cạnh những mặt tốt, vẻ đẹp của con người".

Đạo diễn Sugiyama lựa chọn lối diễn xuất có phần khác lạ so với các vở kịch thông thường tại Việt Nam

Đạo diễn Sugiyama lựa chọn lối diễn xuất có phần khác lạ so với các vở kịch thông thường tại Việt Nam

Đáng chú ý, đạo diễn Sugiyama lựa chọn lối diễn xuất có phần khác lạ so với các vở kịch thông thường tại Việt Nam. Đó là dành sự tương tác, hướng nhìn tối đa về khán giả.

"Tôi không để cho diễn viên đối thoại trực tiếp bằng cách nhìn mặt nhau mà là nhìn vào khán giả, tôi muốn sử dụng ngôn ngữ của kịch nói, để khán giả có thể thấy hết được nét mặt hay tâm trạng của nhân vật, hiểu hơn và thấm nhuần hơn các thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải. Tôi nghĩ rằng kịch nói là mộy loại nghệ thuật tưởng tượng, khán giả đến không chỉ để xem mà còn là để tưởng tượng. Vậy nên tôi luôn muốn dàn dựng thế nào để có thể kích thích trí tưởng tượng của khán giả 1 cách tối đa nhất". - Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết thêm

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" 2024 có sự thay đổi từ phục trang, màu sắc, cho đến cách tiếp cận của các nhân vật với nhiều vấn đề trong cuộc sống đều được đương đại hóa. Điều đặc biệt nhất có lẽ là việc thay đổi tính cách, giới tính của nhân vật Đế Thích, tạo nên cái nhìn mới mẻ hơn so với trước đây.

Vở kịch còn gây ấn tượng với khán giả khi có âm nhạc chơi xuyên suốt, cách bố trí nghệ sĩ chơi guitar "sống" ở một góc sân khấu, tạo cảm giác sống động, tâm thế nhập cuộc cho người xem. Bằng sự đan xen hài hòa giữa hơi thở Việt - Nhật, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cũng kì vọng sẽ đưa "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đi xa hơn đến các nền văn hóa quốc tế, góp sức đưa kịch Lưu Quang Vũ bước ra thế giới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/van-hoa-viet-nhat-trong-hon-truong-ba-da-hang-thit-215533.htm