Văn học nghệ thuật muốn phát triển cần phải có công chúng thưởng thức

Ngày 22-11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM tổ chức hội thảo “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng” với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ đến từ các hội chuyên ngành.

Hội thảo nhận được 21 bài tham luận đến từ các lãnh đạo và hội viên các chuyên ngành của Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, điêu khắc, điện ảnh, nhiếp ảnh… Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về thực trạng của VHNT hiện nay cũng như các giải pháp để đưa các tác phẩm VHNT đến với công chúng.

 Chủ trì hội thảo là PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình - Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM và bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM

Chủ trì hội thảo là PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình - Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM và bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM

Nhà giáo ưu tú, ThS Đoàn Phúc Linh Tâm (Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM) cho rằng, việc đưa các tác phẩm VHNT đến với công chúng không chỉ là một mục tiêu văn hóa mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó, nghệ sĩ đóng vai trò trung tâm với tư cách là người sáng tạo và truyền cảm hứng. Tuy nhiên, để nghệ thuật thực sự chạm đến trái tim công chúng, cần có sự chung tay từ nhiều phía: các tổ chức văn hóa, chính phủ, cộng đồng và cả chính công chúng - những người đón nhận và lan tỏa giá trị của nghệ thuật.

Theo nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều (Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM), VHNT cần phải có công chúng và giữa nghệ sĩ với công chúng có mối quan hệ thông qua tác phẩm với tư cách người sáng tạo và người hưởng thụ. Vì thế VHNT muốn phát triển thì phải có công chúng thưởng thức.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đề cập đến các tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cụ thể là trên lĩnh vực ca múa nhạc chuyên nghiệp, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều đưa ra một thực tế đáng buồn: số lượng các tác phẩm đạt huy chương càng nhiều thì số khán giả đến với các nhà hát để xem các tác phẩm đạt huy chương ngày càng ít, thậm chí có chương trình, tác phẩm đạt rất nhiều huy chương trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của quốc gia nhưng khi công diễn thì khó thu hút khán giả đến xem. Đó cũng là lý do hầu như không có chương trình, tác phẩm nào đã dành được “cơn mưa huy chương” dám mạnh dạn công diễn bằng hình thức bán vé, ngoại trừ tác phẩm Ballet Kiều của Đoàn Múa Nhà hát Giao hưởng, Nhạc - Vũ kịch TPHCM.

“Muốn tác phẩm của mình được công chúng đón nhận, điều đầu tiên là phải chọn được đề tài mà công chúng đang quan tâm để từ đó bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, sẽ truyền tải đến công chúng những thông điệp nhằm “kích thích” trí tưởng tượng và cảm xúc của công chúng thông qua các hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật (của từng loại hình nghệ thuật) bằng những thủ pháp riêng của từng loại hình một cách khéo léo”, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều bày tỏ.

 Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều chia sẻ tại hội thảo

Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều chia sẻ tại hội thảo

PGS-TS Trần Luân Kim cho rằng, chất lượng tác phẩm VHNT là yếu tố quyết định thu hút công chúng. Cụ thể, theo ông Kim, với tác phẩm VHNT đòi hỏi cơ bản - cũng là tối cao, luôn là giá trị chất lượng toàn diện của nó, chất lượng làm nên giá trị tác phẩm. Giá trị tác phẩm ấn định mức độ cũng như trường thời gian tác động đến công chúng, xã hội.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Hội Âm nhạc TPHCM) trăn trở với việc làm thế nào để âm nhạc thiếu nhi đến với công chúng sâu rộng hơn

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Hội Âm nhạc TPHCM) trăn trở với việc làm thế nào để âm nhạc thiếu nhi đến với công chúng sâu rộng hơn

Nhà văn Kim Quyên (Hội Nhà văn TPHCM) trăn trở với câu chuyện làm sao tác phẩm nghệ thuật về với nhân dân. Theo nhà văn Kim Quyên, trong các chuyên ngành nghệ thuật thì văn học là bộ môn quan trọng và đứng đầu, trở thành nguồn chất liệu sáng tác cho các chuyên ngành khác, góp phần không nhỏ cho các chuyên ngành đó hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “truyền lửa” cao quý của mình.

 Theo nhà văn Kim Quyên, bản thân tác giả cũng nên tìm cách để quảng bá và tiêu thụ chính những tác phẩm của mình

Theo nhà văn Kim Quyên, bản thân tác giả cũng nên tìm cách để quảng bá và tiêu thụ chính những tác phẩm của mình

Tuy nhiên, theo nhà văn Kim Quyên, thời gian qua, khâu lý luận phê bình văn học còn thiếu, chủ yếu là người viết tự giới thiệu sách cho nhau để độc giả biết mà tìm đọc, chưa phải là dạng lý luận phê bình đúng nghĩa. Vì vậy, theo nhà văn Kim Quyên, bản thân những nhà văn, những người còn tha thiết với đam mê nghề nghiệp thì không ngại gì tự quảng bá tác phẩm của mình.

Kết thúc Hội thảo “Làm thế nào để những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được với công chúng”, các ý kiến tham dự đều đồng tình cho rằng, muốn các tác phẩm VHNT đến được với công chúng một cách sâu rộng, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý thì sự tự thân của chính tác giả, nghệ sĩ cũng là yếu tố cộng hưởng làm nên hiệu quả của hành trình này.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hoc-nghe-thuat-muon-phat-trien-can-phai-co-cong-chung-thuong-thuc-post769536.html