Vận tải Biển Việt Nam (VOS) thông qua kế hoạch mở rộng đội tàu lớn nhất lịch sử

Với việc sẽ đầu từ thêm 10 tàu thông qua các hình thức mua lại tàu đã qua sử dụng, đóng mới… đây sẽ là lần mở rộng đội tàu lớn nhất lịch sử hoạt động của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS).

Vận tải Biển Việt Nam sẽ đặt đóng mới 04 tàu cỡ Ultramax với trọng tải đến 66.000 DWT tại một số quốc gia trong khu vực.

Vận tải Biển Việt Nam sẽ đặt đóng mới 04 tàu cỡ Ultramax với trọng tải đến 66.000 DWT tại một số quốc gia trong khu vực.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vừa qua, cổ đông Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) đã thông qua kế hoạch đầu tư tàu mới.

Theo đó, công ty sẽ đầu tư 10 tàu, đóng tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư từ vốn vay và vốn tự có của công ty với tỷ lệ phù hợp.

Đây sẽ là lần mở rộng đội tàu lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, lần gần nhất Vận tải Biển Việt Nam mở rộng đội tàu là vào năm 2013 với việc tiếp nhận tàu Vosco Sunrise có tải trọng 56.400 DWT. Từ đó đến nay, công ty chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém…

Theo kế hoạch được thông qua, Vận tải Biển Việt Nam sẽ mua 01 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 - 58.000 DWT, loại đã qua sử dụng dưới 15 tuổi với giá mua tối đa là 23 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu cỡ Ultramax với trọng tải 62.000 - 66.000 DWT với giá mua tối đa là 40 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR với trọng tải khoảng 50.000 DWT với giá mua tối đa là 52 triệu USD/tàu.

Chia sẻ thêm với cổ đông, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam cho biết, lý do lựa chọn đầu tư tàu hàng rời đã qua sử dụng là vì giá bán ở mức hợp lý, thị trường trong dài hạn được đánh giá là tương đối ổn định. Trong khi đó, đối với tàu dầu sản phẩm, công ty sẽ đầu tư tàu đóng mới theo hình thức bán lại (re-sale) nhằm được sớm bàn giao tàu, giúp tận dụng được giai đoạn thị trường đang tốt.

Vận tải Biển Việt Nam cũng nhấn mạnh quyết tâm duy trì và khai thác ổn định đội tàu container hiện nay vốn đang tập trung phục vụ thị trường nội địa.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VOS của Vận tải Biển Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VOS của Vận tải Biển Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Hiện nay giá tàu container đang khá cao nên công ty chưa có kế hoạch mua tàu nhưng đang tìm kiếm và đàm phán việc thuê thêm tàu container với các đối tác để có thêm tàu khai thác, đảm bảo hiệu quả, theo ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam.

Về nguồn tài chính để đầu tư tàu, Vận tải Biển Việt Nam cho biết, công ty đã thu xếp được nguồn vốn đối ứng và đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hiện công ty đã nhận được văn bản cam kết tài trợ vốn của một số ngân hàng trong nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vận tải Biển Việt Nam đang sở hữu đội tàu gồm 13 chiếc với tổng trọng tải 433.674 DWT. Ngoài ra, công ty cũng đang thuê 02 tàu dầu sản phẩm cỡ 50.000 DWT theo hình thức thuê tàu trần (bareboat); 02 tàu dầu/hóa chất cỡ 13.000 DWT và một số tàu hàng khô theo hình thức thuê tàu chuyến (voyage relet).

Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ tăng gấp 6,7 lần, đạt 413 tỷ đồng. Qua đó, vượt 74% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/van-tai-bien-viet-nam--vos--thong-qua-ke-hoach-mo-rong-doi-tau-lon-nhat-lich-su-130084.htm