Về quê mùa hồng chín

Thời tiết những ngày gần cuối năm, cái lạnh hanh hao thấm vào da thịt mỗi buổi mai thức dậy. Bầu trời xám xịt hơn, những tia nắng le lói đậu bên khung cửa sổ, thả ánh nhìn ngơ ngác khi cơn gió nhẹ miên man vờn qua chú mèo mướp vừa vươn vai ngáp dài. Quê nhà mùa Đông, đìu hiu đến lạ. Bước chân mẹ già khập khiễng thấp cao, tuổi già, sức yếu, chẳng làm được việc nặng nhọc nhưng sáng nào mẹ cũng dậy sớm, chụm bếp củi lên, cho ấm cúng gian nhà. Nồi nước sôi bắc lên bếp củi, lá trà xanh ngoài vườn mẹ hái từ ban sớm, khi những hạt sương mai còn đẫm ướt. Ba có ấm chè xanh, sóng sánh vàng, nhâm nhi cùng các cụ cao niên, kể chuyện thời sự hằng ngày. Ở quê vẫn thế, tivi luôn là thứ duy nhất để hai ông bà theo dõi những diễn biến của cuộc sống trên đất nước và cả thế giới. Những cụ già như ba thường chẳng ngơi nghỉ khi có sẵn bộ cờ tướng, ấm tích nước chè xanh. Thêm nữa thì có điếu thuốc lào, rít một hơi, tiếng kéo vang xa đến tận cuối làng.

Mùa hồng chín. Ảnh: Lê Sơn

Mùa hồng chín. Ảnh: Lê Sơn

Mùa này hồng bắt đầu vào vụ chín. Những quả hồng vàng hươm, đậu trên thân cây xám xịt đen. Quả nào quả nấy căng mọng, trăm quả như một, nhìn thôi đã muốn cắn. Mẹ mang rổ ra vườn, nhặt nhạnh những quả chín già rụng dưới gốc cây, kiếm cây sào dài, bẻ thêm những chùm quả già, mang biếu bà con lối xóm. Cây hồng bao năm, vẫn trĩu trịt quả, không thay đổi theo thời gian. Dường như thời gian trôi đi, càng làm cho những quả hồng đậm vị, ngọt thanh và giòn tan trong miệng. Bao năm rồi, mẹ vẫn giữ thói quen gom hồng vào làm thức quà biếu Tết “hồng treo gió xứ lạnh”. Ra được mẻ hồng vừa mềm, dai, ngọt dịu, là cả một quá trình vất vả, từ lúc cắt hồng, cho đến các khâu ngâm, cắt, rửa, xử lý qua nước, buộc dây, canh nắng và nắn bóp cho quả hồng đều mật. Những công đoạn đó, một mình mẹ lụi cụi làm, bao năm vẫn thế, chưa bao giờ mâm bánh trái Tết ở quê thiếu đi đĩa hồng treo gió.

Tôi thích đứng dưới cây hồng nhà mình, ngắm nghía hồng chín, tinh nghịch chụp những tấm ảnh đẹp, đầy hoài cổ, rồi up lên mạng cho bạn bè cùng xem. Xứ này, mùa hồng lúc nào cũng rộn ràng người mua kẻ bán. Người hái hồng tươi giao mối chợ mỗi sớm mai, người hái hồng già làm hồng treo gió bán cho khách du lịch thập phương. Nhà tôi chẳng bán buôn, vì có mỗi một cây, đỏ hết mình cho những ngày Đông lành lạnh. Trên mái ngói cổ kính, thỉnh thoảng những quả hồng già rơi xuống, lũ chim ríu rít chia nhau. Khoảng sân nhà luôn rộn ràng tiếng cười trẻ thơ. Tôi nhớ, ba anh em chúng tôi đã từng nô đùa dưới bụi hồng mỗi sớm mai, lần đó chị ba vô tình dẫm phải quả hồng chín, trượt ngã đập đầu xuống sân nền gạch, máu me bê bết. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ba giận dữ với cây hồng, đòi mẹ chặt bỏ nó đi, nhưng dùng dằng mãi, cuối cùng cây hồng vẫn được tồn tại. Vết sẹo trên trán bị ba lành lặn dần, nhưng nhìn kĩ vẫn thấy một vệt đỏ nhỏ. Mọi người vẫn thường đùa “hồng đậu trên trán chị ba chứ đâu”.

Chúng tôi xa nhà, rời quê lên phố học, rồi cũng mải mê công việc, bạn bè, gia đình. Thỉnh thoảng trong tiềm thức bất chợt nhớ mùa hồng chín, nhớ khoảng trời đẹp đẽ chạy nhảy dưới sân cùng bạn bè và anh chị, lại thổn thức với những kí ức nguyên sơ, thuở ban đầu có cây hồng cạnh mái ngói đỏ tươi. Bây giờ mái ngói rêu phong, ba mẹ già quanh quẩn vào ra, vẫn giữ được nếp nhà sau bao đổi thay của thời gian. Để mỗi khi phố xá bon chen, chúng tôi lại được trở về, ngồi dưới gốc cây hồng, nghe những cơn gió mơn man thổi qua miền thương nhớ. Trân quý thêm những kí ức êm đềm thuở nao...

Thụy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/ve-que-mua-hong-chin-05959fc/