Vẹn nguyên những ký ức hào hùng

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ song với cựu chiến sĩ quân tình nguyện Nguyễn Xuân Nhâm, những ký ức về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đầy khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết, sự thủy chung trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia vẫn luôn in đậm trong tâm trí.

Cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nước bạn Camphuchia Nguyễn Xuân Nhâm trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Kim Ly

Cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nước bạn Camphuchia Nguyễn Xuân Nhâm trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Kim Ly

Tháng 4/1970, ông Nguyễn Xuân Nhâm lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 304B, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.

Năm 1972, ông được cử đi học sĩ quan ở Trường Quân chính, mặt trận Tây Nguyên. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, sau khi ra trường, ông được điều về làm trợ lý tác chiến thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những tưởng ông Nhâm sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình và theo đuổi nghiệp sư phạm còn dang dở, nhưng chiến tranh lại tiếp tục nổ ra. Tập đoàn Pol Pot ở Campuchia đã thi hành chính sách diệt chủng tàn khốc đối với nhân dân Campuchia và chính sách thù địch với Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam nước ta.

Tháng 8/1978, Quân đoàn 3 chuyển toàn bộ lực lượng sang làm nhiệm vụ chiến đấu. Khi đó đang vào mùa mưa, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, trên các trận địa phòng ngự, các chiến sĩ ngày đêm vừa đánh địch để bảo vệ trận địa, vừa luân phiên củng cố hầm, hào công sự. Những ngày trời mưa to, ông Nhâm cùng đồng đội phải thay nhau tát nước, giữ cho hầm, hào công sự không bị ngập nước.

Tháng 12/1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua quyết định mở cuộc tổng phản công - tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam, đồng thời sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol Pot, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 là đơn vị chủ công tiến công sang thủ đô Phnom Penh của Campuchia nhằm tiêu diệt bè lũ Pol Pot theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.

Từ ngày 28/12/1978 - 7/1/1979, ông Nhâm cùng đồng đội tiến công như vũ bão, tổng công kích vào thủ đô Phnom Penh, tiêu diệt bè lũ Pol Pot. Khi đó, khó khăn lớn nhất trong trận chiến là bè lũ Pol Pot thực hiện lối đánh du kích, chia nhỏ ém sâu, bất ngờ xông vào đội hình quân ta rồi lại rút lui, khiến cho lực lượng của ta bị hao tổn.

Song, chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, nhà cửa trống trơn, một số người dân bị dồn tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai, số khác thì bị giết hại dã man, xác chất thành đống tại các ngôi chùa trên đất Campuchia, người chiến sĩ quân tình nguyện Nguyễn Xuân Nhâm cùng các đồng đội khi ấy lại càng có thêm quyết tâm, sức mạnh để vượt qua khó khăn, tìm ra và vận dụng các lối đánh một cách linh hoạt.

Phát huy tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế với nước bạn cùng sự dũng cảm, mưu trí, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng và tan rã. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.

Những trận đánh vô cùng ác liệt đó khiến ông Nhâm bị thương, sức khỏe suy yếu. Tháng 6/1979, ông xuất ngũ trở về địa phương, tiếp tục theo học sư phạm rồi trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau như Phó trưởng Ban Tuyên huấn, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phú, thư ký Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phú, Giám đốc Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng.

Đến năm 1997, khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, ông được điều về làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, nay là Trường cao đẳng Vĩnh Phúc.

Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, ông Nhâm luôn phát huy bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong thời chiến cũng như thời bình, góp sức đem lại nền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Vợ chồng ông Nhâm có 4 người con. Người con trai đầu đã qua đời do mắc di chứng của chất độc da cam. Gắng gượng vượt qua nỗi đau, ông bà tiếp tục nuôi dạy 3 người con trưởng thành. Đến nay, các con của ông bà đều là đảng viên, tiếp tục góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhâm chia sẻ: "Xuất ngũ trở về địa phương, tôi luôn thương nhớ những đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi chỉ có một tâm niệm, mong Đảng và Nhà nước tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ về đất mẹ, đồng thời, chăm lo, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công".

Chúng tôi đến thăm ông Nhâm khi ông vừa trở về sau chuyến thăm viếng các đồng đội cũ tại chiến trường Tây Nguyên năm xưa. Đến tận bây giờ, khi đã trải qua hơn 40 năm kể từ ngày thủ đô Phnom Penh được giải phóng, ông Nhâm vẫn luôn tự hào và vinh dự khi nhớ về những ký ức hào hùng đó, khi người dân Campuchia trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”.

Với những đóng góp đối với cách mạng Nhà nước và nhân dân Campuchia cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Nhâm đã được trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Song với người lính già ấy, có lẽ không phần thưởng nào quý bằng sự độc lập, tự do của dân tộc, của nhân dân mà các thế hệ cha, anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ và gìn giữ.

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82544/ven-nguyen-nhung-ky-uc-hao-hung.html