Ví, giặm Nghệ Tĩnh - nơi hồn quê tỏa sáng
Sau 10 năm được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã khẳng định sự trường tồn của loại hình văn hóa đặc sắc. Ngay cả trong vòng xoáy của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới thì Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn giữ được nét quê, đưa hồn quê tỏa sáng.
Nỗ lực trao truyền
Trong hành trình giữ gìn và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian được xem là đội quân nòng cốt, “giữ lửa” cho mạch nguồn ví, giặm chảy mãi không ngừng trong cộng đồng. Dẫu đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt (77 tuổi, trú phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến, trao truyền giá trị dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.
Với chất giọng ngân vang, bản năng thiên phú về thơ ca, cộng hưởng với niềm đam mê vô tận với dân ca ví, giặm, thuở nhỏ, Đặng Thị Minh Nguyệt đã tham gia đội văn nghệ của thôn xóm, dẫn dắt chi đoàn thôn, vào đội văn nghệ xã... Tuy nhiên, phải năm 1968, khi công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, thầy thuốc Đặng Thị Minh Nguyệt mới thường xuyên có cơ hội được biểu diễn, thực hành diễn xướng, sáng tác dân ca ví, giặm.
Năm 1994 được nghỉ hưu, bà Nguyệt tích cực tham gia phong trào văn nghệ tổ dân phố. Với sự nhiệt huyết, đam mê và tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi trước nhằm trao truyền giá trị dân ca ví, giặm trong cộng đồng, năm 2014, bà Nguyệt sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Dân ca ví, giặm phường Tân Giang. 10 năm qua, CLB do bà làm chủ nhiệm luôn tấp nập thành viên, có thời điểm lên đến 36 người. Không chỉ con em ở phường Tân Giang và các phường, xã ở TP Hà Tĩnh mà các địa phương khác như Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Tượng Sơn, Thạch Văn… của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đều tìm đến CLB của bà Nguyệt để học hát dân ca.
Sau 10 năm hoạt động (2014 - 2024), dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt trong vai trò chủ nhiệm, CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang trở thành CLB nổi bật có nhiều chương trình biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân. Đồng thời, giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan liên cấp tỉnh, cấp thành phố như: Giải nhất tập thể Liên hoan các CLB Dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2020; giải nhì Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016…
Không chỉ dẫn dắt CLB mà nghệ nhân Đặng Thị Minh Nguyệt thường xuyên được mời giảng dạy dân ca ví, giặm cho học sinh tại nhiều trường học ở TP Hà Tĩnh để trao truyền kiến thức, kỹ năng biểu diễn cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Minh Nguyệt còn là người sáng tác và dàn dựng nhiều tác phẩm dân ca ví, giặm. Đến nay, bà đã sáng tác lời mới với trên 30 tác phẩm, phục vụ cho CLB cũng như được phổ biến trong nhiều chương trình văn nghệ quần chúng trên địa bàn.
Đặc biệt, một số tác phẩm của nghệ nhân đã đạt giải cao tại các cuộc thi. Tiêu biểu như: Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Chung tay bảo vệ môi trường”, đoạt giải nhì Cuộc thi “Sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng chống thiên tai”, do Bộ NN&PTNT tổ chức năm 2021. Tác phẩm “Chúng con thấm sâu lời Bác dạy” đoạt giải B, Cuộc thi soạn lời dân ca trên sóng Đài Phát thanh Hà Tĩnh (2009-2010)…
“CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang hiện có 14 thành viên, cao tuổi nhất là tôi 77 tuổi, ít tuổi nhất là bé Lê Quỳnh Như 10 tuổi, quê ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Để duy trì hoạt động của CLB gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khoản vận động kinh phí. Nếu không có đam mê và trách nhiệm thì rất khó để duy trì, phát triển CLB”, nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Minh Nguyệt trải lòng.
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt là một điển hình trong tổng số 180 nghệ nhân của cả Nghệ An và Hà Tĩnh đang ngày đêm trao truyền, phổ biến dân ca ví, giặm đến cộng đồng. Hai địa phương này hiện có gần 350 CLB dân ca ví, giặm với khoảng 6.000 hội viên. Từ những “hạt nhân” nòng cốt này, công tác truyền dạy dân ca ví, giặm đến cộng đồng đã lan tỏa mạnh mẽ.
Như mạch nguồn chảy mãi
Ngành văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh nhìn nhận, 10 năm qua, cộng đồng đã chủ động, tích cực thực hành cùng với các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, các nghệ sĩ chuyên nghiệp của trung tâm nghệ thuật truyền thống và thành viên các CLB đóng vai trò rất quan trọng trong việc nắm giữ các làn điệu ví, giặm, soạn và đặt lời mới. Truyền dạy cho các thành viên mới tại các CLB ở cộng đồng, bằng các hình thức dạy hát tại CLB và dạy hát ở các trường học vào giờ ngoại khóa nhằm bảo tồn và phát huy di sản một cách tích cực. Thành lập, duy trì, sinh hoạt các CLB, trình diễn, bảo vệ và trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ. Hệ thống các CLB đã tạo được một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, mở rộng đến các cơ quan, trường học, tiến tới nhà nhà đều biết hát dân ca ví, giặm. Đây là một trong những “cái nôi” lưu giữ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Dân ca ví, giặm ra đời trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Loại hình nghệ thuật đặc sắc này tồn tại, phát triển trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hàng trăm năm. Qua mỗi thời kỳ, dân ca ví, giặm được trao truyền, kế thừa và sáng tạo để thích ứng hơn với môi trường, hoàn cảnh xã hội và điều kiện lịch sử mới.
Sau khi được UNESCO ghi danh, hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ đó góp phần đưa Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, đưa hồn quê bay xa.
Còn đó những tồn tại
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, các làn điệu dân ca cổ (nguyên gốc) cũng như cách thức trình diễn của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh dần bị mai một, ít người nhớ đến. Tính sáng tạo trong Dân ca ví, giặm đã bị hạn chế, không còn sự đối đáp ngẫu hứng mà phụ thuộc phần nhiều vào bài bản, lớp diễn; người nghe biết đến ví, giặm qua các bài hát mới sáng tác trên nền tảng của ví, giặm nhiều hơn.
Lực lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao, không đủ sức để thực hành và truyền dạy. Bên cạnh đó lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình di sản này nên sự kế thừa chưa nhiều. Một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống.
“Không những vậy, môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ. Việc cải biên hoặc sáng tác không nắm vững những bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản. Mặt khác, việc huy động kinh phí xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, với dân ca ví, giặm nói riêng còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc từ ngân sách nhà nước...”, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh nhấn mạnh.
“Ngày 27/11/2014, UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự vinh danh của UNESCO nâng cao tầm nhìn đối với Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở quốc gia và quốc tế, qua đó khẳng định và khuyến khích sự ứng tác, sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu và nghệ thuật diễn xướng bằng phương ngữ, đảm bảo sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa của nhân loại. Việc bảo vệ và phát huy Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là nhiệm vụ của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ, mà còn là nhiệm vụ của quốc gia dân tộc nhằm bảo vệ một sáng tạo mang tầm nhân loại” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-giam-nghe-tinh-noi-hon-que-toa-sang-10295648.html