Vì sao bão chưa vào, Hà Nội và loạt tỉnh miền Bắc đã mưa dông mạnh?

Chuyên gia khí tượng lý giải hiện tượng dông mạnh kèm sấm sét xảy ra tại Hà Nội, Quảng Ninh và loạt tỉnh thành miền Bắc vào chiều 19/7.

Chiều 19/7, bão số 3 Wipha trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Mặc dù còn ngoài khơi nhưng trong đất liền nước ta, tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... xảy ra dông mạnh kèm sấm sét, gió giật gây thiệt hại tài sản.

Trong đó, Quảng Ninh xuất hiện mưa đá, dông gió to khiến một tàu du lịch bị đánh chìm trên khu vực vịnh Hạ Long.

Lý giải về trận mưa dông này, đại diện Đài Khí tượng thủy văn TP Hải Phòng cho biết, đây là hiện tượng mưa dông nhiệt, không phải mưa do tác động của bão số 3 Wipha như nhiều người đang lầm tưởng.

"Khi trải qua vài ngày nắng nóng thì hiện tượng dông nhiệt xảy ra. Mưa dông nhiệt cũng rất nguy hiểm, thường có thể xảy ra cả mưa đá, lốc, sét", đại diện Đài Khí tượng thủy văn TP Hải Phòng thông tin.

 Khoảng 16h ngày 19/7, tại khu vực trung tâm Hà Nội bất ngờ xảy ra trận mưa dông lớn, mây đen phủ kín khiến trời tối, kèm theo gió lớn cuốn theo nhiều bụi, cành cây, mái tôn...

Khoảng 16h ngày 19/7, tại khu vực trung tâm Hà Nội bất ngờ xảy ra trận mưa dông lớn, mây đen phủ kín khiến trời tối, kèm theo gió lớn cuốn theo nhiều bụi, cành cây, mái tôn...

Trước đó, miền Bắc trải qua 3 ngày nắng nóng diện rộng, oi bức, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 38 độ C. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo mưa dông nguy cơ xảy ra từ chiều tối 19/7 tại khu vực này.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay bão số 3 Wipha là cơn bão có tốc độ di chuyển khá nhanh, trung bình khoảng 20 km/h, phân bố vùng mưa và gió mạnh sẽ lệch về phía Tây và phía Nam. Vì vậy, ông Lâm cảnh báo mưa dông trước bão có thể xảy ra trong các ngày 20-21/7 khi bão còn ở ngoài khu vực vịnh Bắc Bộ và phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Thông tin từ Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông và Môi trường), các nghiên cứu của Mỹ về dông, lốc sét trong bão cho thấy, chỉ quan sát được số lượng rất ít các tia chớp ở lõi trong của bão, áp thấp nhiệt đới.

Nhân tố quyết định sự phát triển dông sét nhờ sự tương tác giữa các tinh thể băng có trong nước lỏng. Vì vậy, thường xuất hiện sấm, chớp hay các ổ dông lốc ở bên ngoài khu vực tâm bão (trên 100 km) do có sự kết hợp với các dải mưa đối lưu mạnh.

Trong thời gian có cảnh báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới cần đề phòng sự xuất hiện của dông, lốc sét để phòng chống giảm nhẹ rủi ro bất ngờ.

Nguyễn Huệ/VTCNews

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-bao-chua-vao-ha-noi-va-loat-tinh-mien-bac-da-mua-dong-manh-post1569857.html