Vì sao điện năng tiêu thụ của gia đình tăng nhiều lần khi học sinh nghỉ hè?

Sản lượng điện sinh hoạt tăng vọt bất thường tại các hộ gia đình, đặc biệt vào mùa hè. Ngoài các yếu tố thời tiết còn có nguyên nhân từ đợt nghỉ hè của học sinh.

Khi “phụ tải” điện từ trường học chuyển về từng hộ dân

Mùa hè năm 2025 đang ghi nhận mức tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao kỷ lục. Bên cạnh nguyên nhân thời tiết nắng nóng gay gắt, có một yếu tố ít được chú ý nhưng đang âm thầm tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điện quốc gia, đó là kỳ nghỉ hè của hàng triệu học sinh trên cả nước.

Trước kỳ nghỉ hè, học sinh cả nước học tập tập trung tại trường, mỗi lớp có từ 30 đến 40 em. Việc sinh hoạt trong không gian chung giúp việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Theo tính toán của những người ngành điện, một lớp học tiêu chuẩn thường chỉ sử dụng 2 điều hòa loại 18.000 BTU (tổng công suất: 36.000 BTU). Hệ thống chiếu sáng, quạt và máy chiếu khoảng 330W. Như vậy chia bình quân, mỗi học sinh chỉ sử dụng khoảng 900 BTU điều hòa và dưới 10W thiết bị điện khác, một mức rất thấp nhờ dùng chung tài nguyên.

Ngoài ra, trường học chỉ hoạt động chủ yếu vào ban ngày, buổi tối tắt toàn bộ thiết bị. Điều này giúp làm phẳng đường cong phụ tải điện, giảm đáng kể áp lực cho hệ thống vào giờ cao điểm đêm, vốn là thời điểm người dân tiêu thụ điện nhiều nhất.

Tuy nhiên, khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, toàn bộ mô hình sử dụng điện sinh hoạt thay đổi. Mỗi em trở về nhà, sinh hoạt riêng, học online hoặc giải trí trong không gian cá nhân với các thiết bị riêng biệt. Điều này khiến lượng điện tiêu thụ tại mỗi gia đình cũng như trên toàn hệ thống tăng vọt.

Giả định, khi ở nhà, trung bình mỗi em sử dụng các thiết bị như điều hòa khoảng 12.000 BTU; máy tính cá nhân 400W; Tivi khoảng 70W; đèn học khoảng 20W. Trường hợp các em sử dụng thiết bị điện sinh hoạt như bếp điện để nấu ăn khoảng 2.000W; ấm nước điện khoảng 600W; lò vi sóng khoảng 1.200W... Như vậy tổng công suất điện chưa bao gồm điều hòa khoảng 4.290W/ 1 học sinh.

Theo tính toán cơ học, với một lớp 40 em học sinh, tổng công suất thiết bị điện (chưa tính điều hòa) đã lên tới 171.600W, cao gấp hơn hàng trăm lần so với khi sinh hoạt tại lớp học. Riêng điều hòa, nếu mỗi em dùng một máy riêng 12.000 BTU, tổng công suất làm lạnh lên tới 480.000 BTU, tăng 13,3 lần so với mức dùng chung tại trường (36.000 BTU).

Dù đây là con số giả định nhưng chắc chắn sản lượng điện tiêu thụ từ đợt nghỉ hè vào cao điểm nắng nóng là tương đối lớn, gây áp lực thực sự lên hệ thống điện quốc gia cũng như hóa đơn của mỗi gia đình.

Sản lượng điện tăng kỷ lục

Sự phân tán phụ tải từ trường học về các hộ dân trong kỳ nghỉ hè được xem là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng sản lượng điện tiêu thụ sinh hoạt. Theo số liệu từ Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), ngày 18/7/2025, công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc đạt 26.998 MW, tăng 1.458 MW (+5,7%) so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng điện toàn quốc đạt 1.066,6 triệu kWh, tăng 41,3 triệu kWh (+4%), ở miền Bắc điện tiêu thụ 551,8 triệu kWh, tăng 22,2 triệu kWh (+4,2%). Trong đó, phụ tải sinh hoạt chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt tại các khu vực đô thị, nơi học sinh nghỉ hè chủ yếu sinh hoạt tại nhà và sử dụng nhiều thiết bị điện công suất cao.

Một điểm đáng chú ý là hiệu suất sử dụng điện năng khi sinh hoạt riêng lẻ tại nhà rất thấp. Mỗi người dùng một thiết bị riêng từ điều hòa, máy tính đến bếp nấu...làm tăng điện năng tiêu thụ mà hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, khi dùng chung tại lớp học, cùng một thiết bị phục vụ cho nhiều người, giúp giảm thiểu công suất vận hành và điện năng tiêu thụ.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện ngay tại trường học (Ảnh minh họa)

Cần đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện ngay tại trường học (Ảnh minh họa)

Cần tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện ở nhà trường

Để giảm thiểu tình trạng này, các chuyên gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức sử dụng điện tiết kiệm ngay từ cấp học phổ thông. Bởi chính các em học sinh sẽ là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng điện trong gia đình.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, EVN đã tiên phong đi đầu trong phong trào tuyên truyền tiết kiệm điện nói chung và tại khối trường học nói riêng thông qua việc tổ chức các phong trào "trường học tiết kiệm điện", tổ chức cuộc thi vẽ tranh, tiểu phẩm, in ấn trên sách vở để tuyên truyền tiết kiệm điện... Dù đã đạt được kết quả tích cực song công tác này vẫn cần tăng cường hơn nữa.

Các cơ quan chức năng và EVN cũng đã khuyến cáo khách hàng sử dụng điện nói chung cần cài đặt điều hòa từ 26 độ C trở lên, sử dụng quạt gió kết hợp. Ở gia đình nên sinh hoạt tập trung, hạn chế mỗi người một phòng, một điều hòa; tắt các thiết bị không sử dụng, tránh nấu ăn bằng điện vào giờ cao điểm; lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện, kiểm tra hệ thống điện định kỳ.

Có thể nói, để giảm áp lực tăng trưởng điện năng tiêu thụ trong mùa hè không chỉ là bài toán của ngành điện lực, mà còn là vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, truyền thông và hành vi của cả cộng đồng xã hội. Nếu tổ chức sinh hoạt hợp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là với học sinh thì phụ tải sẽ được kiểm soát tốt hơn, giảm áp lực lên hạ tầng lưới điện, đồng thời giúp các gia đình tiết kiệm chi phí.

Nguyễn Đắc Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-dien-nang-tieu-thu-cua-gia-dinh-tang-nhieu-lan-khi-hoc-sinh-nghi-he-411219.html