Vì sao nhiều công ty công nghệ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm nguồn cung vật liệu từ các quốc gia khác?

Để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc đang thay thế nguồn cung vật liệu qua các quốc gia khác, trong khi Nhật Bản đang tăng cường khai thác và chế biển nguồn nguyên liệu này...

Công ty LG Chem của Hàn Quốc đã loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng khoáng sản và vật liệu cho nhà máy sản xuất vật liệu cathode của họ tại bang Tennessee của Mỹ

Công ty LG Chem của Hàn Quốc đã loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng khoáng sản và vật liệu cho nhà máy sản xuất vật liệu cathode của họ tại bang Tennessee của Mỹ

Tập đoàn Nhật Bản Sojitz đang lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy tại Kyushu, cùng khu vực với nhà máy đang được xây dựng của gã khổng lồ sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC).

Nhà máy mới của tập đoàn Sojitz sẽ tập trung xử lý fluorspar thành hydro florua khan. Mục tiêu là đáp ứng 40% nhu cầu hằng năm của Nhật Bản đối với hóa chất này trong sản xuất chip, từ đó giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Dự án này là kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn thương mại Sojitz với công ty Mexichem Fluor của Mexico - một ví dụ điển hình về nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của Nhật Bản đối với các vật liệu công nghệ quan trọng trong bối cảnh bất ổn chính trị ngày càng tăng.

Chính phủ Nhật Bản đang chi khoảng 3,4 tỷ USD để hỗ trợ các dự án sản xuất trong nước liên quan đến các lĩnh vực như số hóa và ngành công nghiệp “xanh,” bao gồm cả dự án của Sojitz. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng đã phát triển một chiến lược về khoáng sản quan trọng, nhấn mạnh việc đảm bảo các kim loại pin, đất hiếm, gali, gecmani và uranium.

Trong khi đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc năm ngoái cũng đã xếp 10 khoáng sản, bao gồm lithium, niken, coban, mangan và graphite, vào danh sách “chiến lược quan trọng” với mục tiêu giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài xuống 50% vào năm 2030.

Theo đó, Hàn Quốc đang mở rộng hợp tác với Canada, Úc, Chile và các quốc gia châu Phi thông qua các diễn đàn và các cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản như lithium, niken, coban và đồng.

Theo các chuyên gia, một trong những động lực thúc đẩy các quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là ảnh hưởng từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đạo luật sẽ tạo thuận lợi cho những công ty không sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc khi vào thị trường Mỹ.

Công ty LG Chem của Hàn Quốc đã loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng khoáng sản và vật liệu cho nhà máy sản xuất vật liệu cathode của họ tại bang Tennessee của Mỹ (dự kiến hoàn thành vào năm 2026). Công ty có kế hoạch lấy nguồn cung từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ để hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế IRA.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến các quốc gia nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc đến từ chính Trung Quốc. Giữa tháng 11 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ thắt chặt các hạn chế xuất khẩu với nhiều loại nguyên liệu quan trọng, bao gồm tungsten, graphite và hợp kim nhôm.

Thực tế, các công ty Nhật Bản cũng đang tăng sản lượng sản xuất pin lithium hydroxide, ngay cả khi không có ý định bán cho khách hàng trong nước. Toyota Tsusho đã xây dựng một nhà máy sản xuất lithium hydroxide vào năm 2022, và một dự án của Tập đoàn Sumitomo đang trong giai đoạn nghiên cứu. Hai nhà máy này có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu lithium hydroxide hiện tại của Nhật Bản, khoảng 40.000 tấn mỗi năm.

Một lãnh đạo từ một công ty Nhật Bản giải thích điều quan trọng là Nhật Bản có khả năng tự đáp ứng nhu cầu các nguyên liệu quan trọng mà không phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là một loại bảo hiểm trước căng thẳng chính trị đối với Nhật Bản.

Trong khi các chính phủ chủ yếu thúc đẩy năng lực tự sản xuất từ góc độ an ninh quốc gia, các doanh nghiệp làm điều này vì lo ngại phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung duy nhất cho các nguyên liệu quan trọng.

"Nhiều khách hàng đang cố gắng tìm nguồn cung nguyên liệu khác để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc", đặc biệt trong ngành công nghiệp chip, ông Ikumasa Kinoshita, quản lý bộ phận mua sắm tại Central Glass, một nhà cung cấp sản phẩm fluorine, cho biết.

Hai lý do khiến Trung Quốc chiếm ưu thế trong nguồn cung nhiều loại vật liệu. Thứ nhất do sản lượng nguyên liệu thô chính song cũng là nơi xử lý nhiều loại trong số đó. Thứ hai, Trung Quốc có thể cung cấp nguyên liệu với mức giá rẻ hơn bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, mặc dù Úc là nhà sản xuất lithium chủ chốt, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc lại chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc.

Do đó, thực tế, lợi thế về chi phí của Trung Quốc lớn đến mức ngay cả những sáng kiến như IRA cũng có thể không đủ để thay đổi tình hình. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng và những chính sách của ông sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuỗi cung ứng vẫn còn là một câu hỏi khó đoán, nhất là tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-nhieu-cong-ty-cong-nghe-nhat-ban-va-han-quoc-tim-nguon-cung-vat-lieu-tu-cac-quoc-gia-khac.htm